Một bài báo của Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết, Washington sắp công bố kế hoạch cấm bán phần mềm chống virus Kaspersky tại Mỹ. Đây là phần mềm do công ty an ninh mạng Kaspersky Labs của Nga sản xuất.

Những người quen thuộc với vấn đề này lưu ý Reuters rằng mối quan hệ chặt chẽ của Kaspersky với chính phủ Nga bị chính quyền Biden coi là gây ra “rủi ro nghiêm trọng.” Các nguồn tin trích dẫn mối quan ngại của Washington về quyền truy cập đặc quyền của phần mềm Kaspersky vào hệ thống máy tính có thể cho phép phần mềm này đánh cắp thông tin nhạy cảm của người dùng Mỹ, đồng thời cài đặt phần mềm độc hại hoặc ngăn cản các bản cập nhật quan trọng.

Theo bài báo của Reuters, công ty an ninh mạng này của Nga cũng có thể bị bổ sung vào danh sách hạn chế thương mại của Hoa Kỳ. Điều này sẽ ngăn chặn các nhà cung cấp của Kaspersky ở Mỹ bán phần mềm này. Các nguồn tin nhận định, một động thái như vậy của Washington có thể gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và doanh số bán hàng quốc tế của Kaspersky.

Các biện pháp hạn chế đối với Kaspersky được cho là sẽ có hiệu lực vào ngày 29/9, cho phép các doanh nghiệp có 100 ngày để tìm giải pháp thay thế. Việc tải xuống các bản cập nhật phần mềm, bán lại hoặc cấp phép cho sản phẩm này cũng sẽ bị cấm. 30 ngày sau khi công bố các biện pháp hạn chế, Kaspersky Labs sẽ bị cấm ở Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ thông báo cho các công ty trước khi thực hiện hành động cưỡng chế đối với họ.

Reuters nhận định, nếu Bộ Thương mại  Mỹ chỉ bổ sung Kaspersky vào danh sách hạn chế thương mại của mình, thì thiệt hại phần lớn là về mặt uy tín của công ty. Tuy nhiên, nếu các đơn vị nước ngoài của Kaspersky đều bị bổ sung vào danh sách này, động thái này có thể cản trở đáng kể chuỗi cung ứng của công ty anh ninh mạng Nga.

Người bán và người bán lại phần mềm Kaspersky vi phạm các biện pháp hạn chế sẽ phải đối mặt với các khoản phạt, thậm chí có khả năng phải đối mặt với các vụ kiện hình sự do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, người sử dụng phần mềm này sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt pháp lý nào, nhưng được khuyên nên ngừng sử dụng phần mềm này.

Hồi năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cấm tất cả các cơ quan liên bang sử dụng phần mềm Kaspersky, viện dẫn mối quan ngại về an ninh quốc gia, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Vào thời điểm đó, ông Eugene Kaspersky, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Kaspersky Labs, đã lên án động thái này là “sự hoang tưởng hoàn toàn vô căn cứ”. Công ty an ninh mạng của Nga đã nộp đơn kiện, nhưng sau đó đã bị tòa án bác bỏ.

Nigel Treblin Kaspersky my cam copy
CEO và chủ tịch của hãng bảo mật Kaspersky Lab –
Eugene Kaspersky (ảnh: Nigel Treblin/Getty)

Theo các nguồn tin của Reuters, đã có “sự trao đổi qua lại đáng kể” giữa chính quyền Mỹ với Kaspersky trước khi lệnh cấm được ban hành, trong đó đề xuất các biện pháp giảm nhẹ, thay vì một lệnh cấm hoàn toàn.

Được thành lập vào năm 1997, nhà cung cấp phần mềm chống virus và an ninh mạng Kaspersky Labs đặt trụ sở tại Moscow và do một công ty cổ phần ở Anh điều hành. Theo Kaspersky, công ty này hoạt động ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và có 400 triệu người dùng trên khắp thế giới.

Gia Huy