Với mong muốn giải tỏa khủng hoảng ở Gaza khi dân thường bị biến thành mục tiêu của các hoạt động quân sự trong nhiều ngày liên tục, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã mở hội nghị thượng đỉnh hôm Thứ Bảy ở Cairo. Nhưng do vắng mặt của Israel và các quan chức cấp cao của Mỹ, hội nghị kết thúc mà không có được thỏa thuận nào nhằm ngăn chặn bạo lực.

Cairo
Các nhà lãnh đạo Ả Rập đã mở hội nghị thượng đỉnh hôm Thứ Bảy ở Cairo. (Ảnh chụp màn hình video)

Ai Cập, quốc gia đã triệu tập và chủ trì cuộc họp, nói họ hy vọng những người tham gia sẽ kêu gọi hòa bình, và sau đó tiếp tục nỗ lực giải quyết nỗ lực giành quyền thành lập nhà nước kéo dài hàng thập kỷ của người Palestine, theo Reuters báo cáo.

Nhưng cuộc họp kết thúc mà các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng không thống nhất được một tuyên bố chung.

Bộ Y tế Gaza hôm Thứ Bảy cho biết, các cuộc không kích và tên lửa của Israel đã giết chết ít nhất 4.385 người Palestine kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.

Trong khi các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công của Israel thì các nước phương Tây lại chủ yếu lên tiếng về những mục tiêu khiêm tốn hơn như cứu trợ nhân đạo cho dân thường.

Vua Abdullah của Jordan đã lên án điều mà ông gọi là sự im lặng toàn cầu về các cuộc tấn công của Israel —vốn đã đã giết chết hàng ngàn người ở Gaza do Hamas cai trị và khiến hơn một triệu người trở thành vô gia cư— đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận công bằng đối với cuộc xung đột Israel-Palestine.

“Thông điệp mà thế giới Ả Rập đang chứng kiến là mạng sống của người Palestine rẻ mạt hơn mạng sống của người Israel,” ông nói và cho hay ông rất phẫn nộ và đau buồn trước những hành động bạo lực do Quân đội Israel nhắm vào người dân thường vô tội.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố người Palestine sẽ không di dời khỏi vùng đất của họ. “Chúng tôi sẽ không rời đi, chúng tôi sẽ không rời đi,” ông nói ở hội nghị.

Pháp kêu gọi thiết lập một hành lang nhân đạo vào Gaza mà nước này cho rằng có thể dẫn tới lệnh ngừng bắn. Anh và Đức đều kêu gọi quân đội Israel thể hiện sự kiềm chế. Ý cho rằng điều quan trọng là tránh leo thang căng thẳng.

Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel và là người đóng vai trò quan trọng số một tất cả các nỗ lực hòa bình trước đây trong khu vực, chỉ cử đại biện lâm thời tới Cairo, và đại diện đó đã không phát biểu công khai tại cuộc họp.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh là “lắng nghe lẫn nhau”.

“Chúng tôi hiểu rằng chúng ta cần hợp tác nhiều hơn nữa,” ông nói về các vấn đề bao gồm tình hình nhân đạo, tránh leo thang khu vực và tiến trình hòa bình giữa người Palestine và Israel.

Israel đã tuyên bố sẽ quét sạch nhóm chiến binh Hamas do Iran hậu thuẫn “khỏi bề mặt trái đất” sau vụ tấn công gây sốc ngày 7/10, cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân trong lịch sử 75 năm của Israel.

Israel nói họ đã yêu cầu người Palestine di chuyển về phía Nam trong phạm vi Gaza vì sự an toàn của chính mình, mặc dù dải bờ biển chỉ dài 45 km và các cuộc không kích của Israel cũng đã tấn công vào phía Nam.

Các nhà ngoại giao tham dự cuộc đàm phán không mấy lạc quan về một bước đột phá, khi Israel đã sẵn sàng tấn công trên bộ vào Gaza nhằm tiêu diệt nhóm dân quân Palestine Hamas.

Ngừng bắn

Cuộc họp cũng nhằm tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Nhưng các nhà ngoại giao biết rằng việc đạt được thỏa thuận công khai sẽ khó khăn vì những vấn đề nhạy cảm xung quanh lời kêu gọi ngừng bắn. Israel luôn nói rằng việc oanh tạc thường dân ở Gaza là “quyền tự vệ” của Israel.

Các quốc gia Ả Rập lo ngại cuộc tấn công có thể khiến cư dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa vĩnh viễn và thậm chí sang các quốc gia láng giềng. Đây là điều đã từng xảy ra khi người Palestine chạy trốn hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến năm 1948 sau khi Israel thành lập.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nói đất nước của ông phản đối điều mà ông gọi là việc di dời người Palestine vào khu vực sa mạc Sinai của Ai Cập, đồng thời nói rằng giải pháp duy nhất cho khủng hoảng này là một nhà nước Palestine độc ​​lập.

Ai Cập lo ngại tình trạng bất ổn gần biên giới với Gaza ở phía Đông Bắc Sinai, nơi nước này phải đối mặt với cuộc nổi dậy của người Hồi giáo lên đến đỉnh điểm sau năm 2013 và hiện phần lớn đã bị trấn áp.

Jordan, nơi sinh sống của nhiều người tị nạn Palestine cùng con cháu của họ, lo ngại một cuộc xung đột rộng hơn sẽ tạo cơ hội cho Israel trục xuất hàng loạt người Palestine khỏi Bờ Tây.

Vua Abdullah cho biết việc cưỡng bức di tản “là tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế và là ranh giới đỏ đối với tất cả chúng ta.”

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo bắt đầu tiến qua cửa khẩu Rafah vào Gaza.

Đích thân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phải tới cửa khẩu Rafah chiều Thứ Sáu, nhưng cuối cùng chỉ có thể đạt được 20 chiếc xe tải chở hàng nhân đạo vào Gaza. Mà con số 20 này là điều mà Mỹ và Israel đã hứa từ nhiều ngày trước đó. Hơn nữa, đó chỉ là con số mang tính biểu tượng, và hoàn toàn không đáng kể so với những gì 2,3 triệu dân đang cần. Trong 20 xe tải này không được phép có nhiên liệu [khí đốt] vì Israel không cho phép.

Nhật Tân