Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận hôm Chủ Nhật (11/6) rằng nước này đang có kế hoạch tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Nhiều năm sau khi rời khỏi UNESCO, các quan chức Mỹ bây giờ nhận thấy tổ chức của Liên Hiệp Quốc này là nền tảng hiệu quả trong cuộc cạnh tranh đa diện giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thư tới trụ sở chính của UNESCO tại Paris, Pháp vào ngày 8/6, trong đó vạch ra mong muốn của Washington về việc quay lại tổ chức này sau 5 năm vắng mặt.

Chúng tôi được biết rằng ban lãnh đạo UNESCO sẽ xem xét đề xuất của chúng tôi về tư cách thành viên trong những ngày tới”, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận với hãng tin AP.

Washington đã cắt tài trợ cho UNESCO vào năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama sau khi Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này. Washington chính thức rút khỏi UNESCO vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump với lý do tổ chức này định kiến với Israel, ủng hộ Palestines. Israel cũng đã rút khỏi UNESCO sau Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hồi tháng Ba: “Trung Quốc bây giờ đang là bên đóng góp lớn nhất cho UNESCO”. Ông Blinken kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy giành riêng một khoản 150 triệu USD để phục vụ việc Mỹ quay lại UNESCO, bởi vì Washington đang nợ một khoản đóng góp đáng kể.

Ông Blinken nói: “[UNESCO] đang làm việc về các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi muốn được ở đó”.

Cũng trong tháng Ba vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass cho biết việc Washington quay lại UNESCO “sẽ giúp giải quyết được một khoảng cách rất quan trọng về công cụ và năng lực lãnh đạo, và động thái đó cũng sẽ giúp chúng ta giải quyết được chi phí cơ hội rất lớn do sự vắng mặt của chúng ta tạo ra trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc”.

Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về cạnh tranh trong kỷ nguyên kỹ thuật số với Trung Quốc… thì chúng ta không thể chấp nhận vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn quan trọng mà ở đó đang đặt ra các tiêu chuẩn về giáo dục, khoa học và công nghệ”, ông John Bass nói thêm. Ông cũng lập luận rằng sự vắng mặt ở UNESCO đã làm giảm khả năng của Washington trong việc “thúc đẩy có hiệu quả tầm nhìn của chúng ta về thế giới tự do”.

Năm 2021, tức ba năm sau khi rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với lý do cơ quan này định kiến chống Israel, Mỹ đã tái gia nhập cũng với lý giải rằng họ lo sợ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong cơ quan toàn cầu này.

Hải Đăng