Phát ngôn viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu đầu tuần này nói rằng khối liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đã tăng gấp đôi quân đồn trú tại Đông Âu từ 5.000 lên 10.000 quân từ năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch tăng quân sẵn sàng chiến đấu lên gấp 30 lần của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn chưa được hiện thực hóa.

Bốn nhóm quân chiến đấu của NATO đã được triển khai mới tại Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Trước đó, NATO có bốn nhóm quân chiến đấu được triển khai tại Estonia, Latvia, Litva, và Ba Lan, tất cả các nước này đều có biên giới với Nga.

Bốn nhóm quân chiến đấu của NATO trong năm 2021 có tổng cộng 5.000 quân và hiện tại đã tăng lên 10.000 quân sau khi triển khai thêm bốn nhóm mới, theo tuyên bố của ông Lungescu trên tờ Washington Post.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn 10.000 quân được triển khai ở tiền phương này được hậu thuẫn bởi 300.000 quân dự bị sẵn sàng chiến đâu cao.

Ông Jens Stoltenberg cách đây một năm đã loan báo kế hoạch quân dự bị nêu trên và giải thích rằng 100.000 quân sẽ có thể được triển khai trong vòng 10 ngày từ khi xảy ra một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Nga, và 200.000 quân còn lại sẽ có thể tham gia chiến đấu một tháng sau đó.

Tuy nhiên, các quan chức của các quốc gia Đông Âu và Baltic nói với Washington Post rằng họ vẫn không biết quân dự bị theo kế hoạch của ông Stoltenberg đến từ đâu và liệu đội quân đó có thể triển khai kịp thời để đẩy lùi một cuộc chiến tranh xâm lược từ Nga hay không. Từ sau thông báo của ông Stoltenberg, NATO vẫn chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch đó, gồm cả việc bên nào sẽ cung cấp tài chính cho đội quân dự bị này.

Mặc dù các nhóm quân chiến đấu là đội quân hiện diện thường trực, nhưng một số thành viên NATO vẫn nghi ngờ về cam kết của các quốc gia đồng minh trong nội khối về nhiệm vụ này. Đức chỉ huy một nhóm quân chiến đấu tại Litva, nhưng họ bác bỏ yêu cầu của Litva về việc đồn trú một sư đoàn quân thường trực tại quốc gia thuộc vùng Baltic này. Thay vào đó, Berlin muốn giữ lại 6.000 quân ở Đức và không để nhóm này đến nơi mà họ có thể được triển khai chiến đấu “nếu cần”.

NATO luôn coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước đồng minh trong nhóm và đối với hòa bình và an ninh trong khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”.

Trong khi đó, Nga lập luận rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông sau Chiến tranh Lạnh và việc khối này cam kết sẽ kết nạp Ukraine tạo ra các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Nga.

Hải Đăng