Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg hôm thứ Hai (21/8) đã kêu gọi các chính trị gia phương Tây cần phải thực tế hơn trong nỗ lực cô lập Nga, bởi vì Moscow sẽ luôn luôn là quốc gia láng giềng của châu Âu và là nhân tố quốc tế quan trọng. Ông cũng cho rằng Nga không thể bị “xóa sổ” hoặc “ma quỷ hóa”.

Phát biểu hôm thứ Hai (21/8) tại một phiên thảo luận trong sự kiện do Đại học Quốc tế Menendez Pelayo tổ chức ở Santander, Tây Ban Nha với sự tham gia của nhiều nhà ngoại giao châu Âu, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã trích dẫn lời của nhà ngoại giao nổi tiếng thế kỷ 20 người Đức Egon Bahr, kiến trúc sư của Ostpolitik – chính sách bình thường hoá quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, nói rằng: “Mỹ là không thể thay thế, nhưng Nga là không thể dời chỗ”.

Dù bất cứ điều gì xảy ra, Nga vẫn là láng giếng địa chính trị lớn nhất của chúng ta. Dù bất cứ điều gì xảy ra, họ có lẽ vẫn là số một xét về sở hữu đầu đạn hạt nhân. Họ vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, Ngoại trưởng Áo Schallenberg lưu ý.

Ông Schallenberg cảnh báo rằng nếu Liên minh châu Âu (EU) cố gắng xây dựng một cấu trúc an ninh loại trừ Nga, thì cấu trúc an ninh này cuối cùng cũng là loại trừ cả Trung Á và khu vực phía nam Caucasus (khu vực giao thoa Á Âu).

Chúng ta không thể xóa sổ Nga. Chúng ta không thể ma quỷ hóa họ”, ông Schallenberg nhấn mạnh.

Cũng giống như các chính trị gia châu Âu khác, ông Schallenberg đổ lỗi cho Nga gây ra chiến tranh Ukraine. Ông cho rằng cuộc chiến này đã lập tức đánh thức châu Âu khỏi một giấc ngủ dài hậu Liên Xô.

Ông Schallenberg cho rằng Nga đã hết lần này đến lần khác khiến châu Âu mất niềm tin. Ông cũng nhắc đến sự kiện Nga tấn công vào lãnh thổ Georgia năm 2008.

Cuộc xung đột vũ trang ngắn vào năm 2008 giữa Nga và Georgia đã bùng phát khi chính quyền Tbilisi điều động quân đội bao vây nước cộng hòa Nam Ossetia. Nga cáo buộc Tbilisi giết hại lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng tại Nam Ossetia. Lãnh thổ này sau đó đã ly khai khỏi Georgia.

Về việc viện trợ cho Ukraine, Ngoại trưởng Schallenberg nói rằng Áo không tìm cách thay đổi chế độ ở Nga và cũng không chia tách nước Nga, nhưng ủng hộ một thế giới mà ở đó các siêu cường phải hành xử theo luật.

Nga lâu nay thừa nhận rằng việc thiếu niềm tin lẫn nhau là một vấn đề chủ yếu trong mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây. Chính phủ Nga đã từng nhấn mạnh rằng chính sự mở rộng của NATO về phía Đông vốn vi phạm lời hứa với lãnh đạo Liên Xô trước đây, là nhân tố chính thực sự dẫn đến cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay.

Hải Đăng (Theo RT)