Một tòa án ở Myanmar do quân đội cai trị hôm thứ Sáu (12/11) đã bỏ tù nhà báo người Mỹ Danny Fenster với mức án 11 năm, luật sư và công ty của ông cho biết. Sự việc này đã giáng một đòn vào nỗ lực của Mỹ nhằm bảo đảm việc trả tự do cho ông.

Embed from Getty Images

Fenster, 37 tuổi, biên tập viên quản lý của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, đã bị kết tội kích động và vi phạm luật nhập cư và thành lập các hiệp hội bất hợp pháp, tạp chí của ông cho biết.

Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên bị bỏ tù trong những năm gần đây ở Myanmar, nơi một cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 của quân đội chống lại chính phủ đắc cử của bà Aung San Suu Kyi đã kết thúc một thập kỷ hướng tới nền dân chủ của quốc gia này và gây ra phản ứng dữ dội trên toàn quốc.

Thomas Kean, tổng biên tập của Frontier Myanmar, một trong những hãng tin độc lập hàng đầu của đất nước, cho biết: “Hoàn toàn không có cơ sở để kết tội Danny về những tội danh này.”

“Mọi người ở Frontier đều thất vọng và tức giận trước quyết định này. Chúng tôi chỉ muốn thấy Danny được trả tự do càng sớm càng tốt để anh ấy có thể về nhà với gia đình”.

Ông Fenster bị bắt khi đang cố gắng rời khỏi đất nước vào tháng 5 và kể từ đó bị giam tại nhà tù Insein khét tiếng ở Yangon.

Gia đình ông đã nhiều lần kêu gọi trả tự do cho ông.

Ngoài bản án trên, ông còn bị buộc thêm tội danh khác nghiêm trọng hơn liên quan đến xúi giục nổi loạn và khủng bố. Những tội danh này có thể bị phạt tối đa 20 năm tù mỗi tội.

Phiên tòa xét xử Fenster đã không được công khai, trong khi phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Ông Fenster nằm trong số hàng chục nhà báo bị giam giữ tại Myanmar sau khi các cuộc biểu tình và đình công nổ ra sau cuộc đảo chính. Các phương tiện truyền thông độc lập đã bị chính quyền buộc tội kích động.

Hoa Kỳ đã làm việc để yêu cầu trả tự do cho ông Fenster. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó nói rằng việc giam giữ ông là “vô cùng bất công”.

Chính quyền quân đội Myanmar đã không thả ông Fenster trong một đợt ân xá gần đây cho hàng trăm người bị giam giữ vì các cuộc biểu tình chống chính quyền, trong đó bao gồm có một số nhà báo.

Phil Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết trên Twitter rằng việc bỏ tù ông Fenster là “thái quá và không thể chấp nhận được” và các cáo buộc chống lại ông đã được thổi phồng và không có thật.

Trong gần nửa thế kỷ cai trị hà khắc của quân đội, báo chí được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Tuy vậy, truyền thông Myanmar lại nở rộ sau khi các tướng lĩnh đưa ra những cải cách ​​từ năm 2011.

Tuy nhiên, kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai, quân đội đã hủy bỏ giấy phép truyền thông, áp đặt các hạn chế đối với internet và các chương trình phát sóng vệ tinh; đồng thời bắt giữ hàng chục nhà báo.

Hơn 1.200 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và hàng nghìn người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, theo các nhà hoạt động được Liên hợp quốc trích dẫn.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: