Ngày 2/5, trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới, tờ báo Wall Street Journal (WSJ) của Hoa Kỳ, vốn đã nhiều lần bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Chính phủ Hồng Kông chỉ trích, tuyên bố sẽ chuyển trụ sở chính ở Châu Á khỏi Hồng Kông tới Singapore.

Vision Times
Cảng Victoria bị bao phủ trong sương mù. (Ảnh: David Pang/ Vision Times)

Kể từ khi có Luật An ninh Quốc gia, ngành truyền thông Hồng Kông gặp nhiều khó khăn, các kênh truyền thông độc lập lần lượt rời đi.

Có thông tin cho rằng gần một nửa nhân viên biên tập và đưa tin của Wall Street Journal (WSJ) tại Hồng Kông đã bị sa thải.

Ngày 3/5 là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã công bố Chỉ số Tự do Báo chí năm 2024.

Hồng Kông xếp thứ 135 trong số 180 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tuy nhiên, tổng điểm lại giảm 1,8 điểm, xếp sau các nước châu Phi như Zimbabwe, Uganda, thậm chí còn bị đánh giá là “tình trạng khó khăn”.

“Phóng viên Không Biên giới” chỉ ra rằng kể từ khi thực thi Luật An ninh Quốc gia, quyền tự do báo chí ở Hồng Kông đã phải hứng chịu những trở ngại chưa từng có. Apple Daily Stand News lần lượt bị đình chỉ. Đài phát thanh Hồng Kông bị kiểm duyệt, các nhà báo tiếp tục bị đàn áp.

So với năm ngoái, Trung Quốc tăng 7 bậc, lên vị trí 172, tổng điểm tăng lên 23,36 điểm, nhưng vẫn tiếp tục bị xếp vào nhóm nước có “tình trạng nghiêm trọng” cấp 5.

RSF chỉ ra rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp toàn diện giới truyền thông, khiến chỉ số tự do báo chí bị đình trệ.

Hiện nay, các kênh truyền thông độc lập hoạt động ở Trung Quốc và Hồng Kông đang chịu áp lực rất lớn, và chỉ có thể đưa tin về những chủ đề không nhạy cảm. Hễ đề cập đến chính trị, động chạm đến chính quyền, vạch trần sự thật, họ sẽ bị chính quyền trấn áp.

Ngay trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới, bà Emma Tucker, tổng biên tập tờ Wall Street Journal, đã gửi một lá thư nội bộ cho nhân viên vào ngày 2/5, thông báo công ty sẽ rút khỏi Hồng Kông. Bức thư cho biết, trụ sở chính ở châu Á của công ty sẽ được chuyển đến Singapore.

Bức thư đặc biệt nhấn mạnh, việc rời khỏi Hồng Kông là theo gương của nhiều công ty khác từng được Wall Street Journal đưa tin. Tuy nhiên, bức thư không nêu rõ lý do thực sự của việc sơ tán, cũng như không đề cập đến luật Điều 23, hay môi trường chính trị hoặc môi trường kinh doanh của Hồng Kông.

Một số nhà phân tích cho rằng các công ty khác rời Hồng Kông vì không muốn bị đe dọa bởi “bóng ma” của Luật An ninh Quốc gia. Họ không biết khi nào mình sẽ vô tình bước vào lằn ranh đỏ, khi nào thì tài sản của công ty bị đóng băng, hoặc khi nào thì ban quản lý sẽ bị bỏ tù.

Wall Street Journal từng bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Chính phủ Hồng Kông chỉ trích.

Trước đó, tổ chức “Phóng viên Không Biên giới” thống kê rằng chỉ riêng trong năm nay, ít nhất 7 lần, Chính phủ Hồng Kông đã công khai lên án và phản đối mạnh mẽ truyền thông Hồng Kông và nước ngoài, trong đó có tờ Wall Street Journal.

Những báo cáo tiêu cực về Hồng Kông đã bị Bộ trưởng An ninh Đặng Bính Cường (Chris Tang) chỉ trích là “nhận xét sai lệch và không phù hợp”.

Ngoài Wall Street Journal, trước đó, New York Times đã chuyển văn phòng ở Hồng Kông đến Seoul, Hàn Quốc. Vào tháng trước, Đài Á Châu Tự do, từng bị ông Đặng Bính Cường nêu tên và lên án, cũng đóng cửa văn phòng ở Hồng Kông.

Theo một báo cáo của Wall Street Journal vào tháng 11/2023, các công ty đa quốc gia tỏ ra lo lắng về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa ĐCSTQ và Hồng Kông.

Ban đầu số lượng người dân rời đi còn ít, nay đã phát triển thành một cuộc di dân quy mô lớn. Các ngân hàng, nhà đầu tư, công ty công nghệ và các công ty nước ngoài khác đang gấp rút rời khỏi Hồng Kông, tạo nên một cảnh tượng lịch sử về cuộc tháo chạy vốn.

Tháng 6/2022, số lượng công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông giảm xuống còn 1.258 công ty, mức thấp mới kể từ năm 2004. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng Google, Facebook có thể cũng sẽ rời khỏi Hồng Kông.

Một số cư dân mạng Hồng Kông than thở rằng các công ty và tập đoàn quốc tế lớn lần lượt rút khỏi Hồng Kông, đô thị quốc tế trước đây. Hồng Kông đang phát triển theo hướng trở thành một “thành phố nhỏ”.

Họ cho rằng ở Hồng Kông không còn các ngành công nghiệp lớn, ngành tài chính cũng bị lụi tàn, chỉ còn lại một nhóm công dân nhỏ bé đang chật vật sinh tồn.