Ngoại trưởng EU Josep Borrell thừa nhận rằng, không phải mọi quốc gia thành viên EU đều đồng ý coi Nga là “mối đe dọa hiện hữu nhất” của châu Âu. Ông lập luận rằng những khác biệt như vậy đang gây tổn hại cho các chính sách của khối, đặc biệt là quyết tâm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Phát biểu tại Đại học Oxford hôm thứ Sáu (3/5), ông Borrel nói rằng ông nhận thấy “nhiều đối đầu hơn là hợp tác” trong các vấn đề thế giới, và đã nêu lên các ví dụ về bất đồng quan điểm trong nội bộ thành viên EU. Về Tổng thống Nga Putin và cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, một số quốc gia đang không tán thành với Brussels, ông Borrel nói.

Ngày nay, Putin là mối đe dọa hiện hữu đối với tất cả chúng ta. Nếu Putin thành công tại Ukraine, thì ông ta sẽ không dừng lại ở đó”, ông Borrel tuyên bố và nói thêm rằng chiến thắng của Nga sẽ gây tổn hại cho an ninh của châu Âu. Tuy nhiên, “không phải mọi thành viên trong Liên minh châu Âu đều chia sẻ đánh giá này”, ông Borrel nhấn mạnh.

Một số thành viên của Hội đồng châu Âu nói: Ồ, không, Nga không phải là mối đe dọa hiện hữu. Ít nhất là đối với tôi. Tôi coi Nga là bạn tốt’”, ông Borrel nói, nhưng không nêu tên quốc gia cụ thể nào. “Trong một liên minh được điều hành theo nguyên tắc đồng thuận, các chính sách của chúng ta về Nga luôn luôn bị đe dọa chỉ bởi một phiếu phủ quyết duy nhất – một phiếu là đủ [phủ quyết]”.

EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt lên Moscow sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh mà họ gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã từ chối chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời hai ông nhấn mạnh rằng cuộc xung đột này nên được giải quyết thông qua đàm phán.

Hungary đã chặn gói viện trợ Ukraine trị giá 54 tỷ USD của EU trong nhiều tháng cho đến khi ông Orban rút lại phiếu phủ quyết vào tháng 2/2024 vừa qua.

Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một lần nữa từ chối loại trừ khả năng điều động quân đội NATO tới Ukraine. Ông Macron lập luận rằng, “sự tồn vong của lục địa này” đang lâm nguy. Phát biểu của tổng thống Pháp vấp phải sự chỉ trích nặng nề của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nói rằng việc NATO đặt chân lên thực địa tại Ukraine có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh trên quy mô toàn cầu.

Trong khi đó, Moscow đã lên án ông Macron vì tiếp tục “leo thang ngôn luận” nguy hiểm mà có thể khiến cho cuộc chiến tranh Ukraine rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát.

Hải Đăng (Theo RT)