Ngày 10/11, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 13.200 tỷ Yen (87 tỷ USD) cho năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3/2024, theo tờ Nikkei Asia.

Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Shag 7799/Shutterstock)

Mục tiêu của gói ngân sách bổ sung này là tài trợ cho một gói kinh tế mới được thiết kế nhằm giảm thiểu gánh nặng tăng giá đối với các hộ gia đình và điều hướng nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Thủ tướng Fumio Kishida đang ưu tiên giải quyết tình lạm phát leo thang gần đây, phần lớn là do chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn khiến tiền lương thực tế giảm. Yếu tố này đang khiến xếp hạng tín nhiệm của ông giảm mạnh.

Gói ngân sách bổ sung đã nâng tổng ngân sách năm tài chính 2023 lên tới 127.580 tỷ Yen. Trong gói ngân sách bổ sung, có 8.880 tỷ Yen sẽ được đảm bảo bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ mới, làm tăng thêm khoản nợ công vốn đã lớn hơn gấp đôi quy mô nền kinh tế.

Một trong những yếu tố nổi bật của gói ngân sách bổ sung là chính phủ sẽ cấp 70.000 Yen cho mỗi hộ gia đình thu nhập thấp trong diện miễn thuế cư trú, trị giá khoảng 1.060 tỷ Yen. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ giảm thuế 40.000 Yen/người, trong đó có 30.000 Yen thuế thu nhập và 10.000 Yen thuế cư trú, sẽ cần khoảng 3.500 tỷ Yen được thực hiện vào tháng 6/2024, nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến ngân sách năm tài chính tiếp theo.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi đã soạn thảo các biện pháp thực sự cần thiết để bảo vệ sinh kế của người dân trước lạm phát gia tăng, đồng thời củng cố động lực tăng lương cơ cấu và đầu tư nhiều hơn”.

Ông Shunichi Suzuki thừa nhận sức khỏe tài chính của Nhật Bản đang ở mức tồi tệ nhất nhưng nền kinh tế mạnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi tài chính. Bộ trưởng Suzuki cũng khẳng định rằng chính phủ sẽ đặt mục tiêu giảm chi tiêu tài chính xuống mức “thời bình thường” vì đến cuối năm sẽ lập một ngân sách khác cho năm tài chính 2024.

Kế hoạch cắt giảm thuế đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp đối lập, những người cho rằng chính phủ đã hành động quá muộn. Các nghị sĩ đối lập đang kêu gọi giảm thuế tiêu dùng vì tỷ lệ lạm phát của nước này đã ở trên mức mục tiêu 2% trong hơn một năm.

Giải thích về việc giảm thuế, Thủ tướng Kishida cho biết đó là một phần trong nỗ lực trả lại một phần doanh thu tăng thêm của chính phủ trong những năm gần đây cho người dân, mặc dù trước đó, Bộ trưởng Tài chính Suzuki từng phát biểu rằng chính phủ đã sử dụng số thu nhập tăng thêm để tài trợ cho các chính sách khác và mua lại các khoản thu.

Ngoài các biện pháp giảm thuế và trợ cấp nói trên, gói kinh tế vừa được phê duyệt có 5 trụ cột, trong đó khoảng 2.740 tỷ Yen sẽ được chi cho các biện pháp giảm lạm phát, chẳng hạn như gia hạn các khoản trợ cấp hiện có để giảm chi phí xăng và nhiên liệu khác cho đến mùa xuân năm sau.

Kinh phí cũng sẽ được phân bổ nhằm giải quyết những thách thức do tỷ lệ sinh của quốc gia giảm và thực hiện các bước để đảm bảo an toàn và an sinh cho người dân Nhật Bản. Chính phủ sẽ chi 1.330 tỷ Yen để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ thực hiện tăng lương và 3.440 tỷ Yen để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực chiến lược thông qua đầu tư, như trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.

Nhật Bản đang tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ vì tình trạng thiếu linh kiện do đại dịch COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác, đồng thời đưa ra cảnh báo về rủi ro an ninh quốc gia.

Chính phủ cũng hỗ trợ Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan  (TSMC) và Tập đoàn Rapidus của Nhật Bản, dành 2.000 tỷ Yen trong gói ngân sách để thúc đẩy sản xuất trong nước các chất bán dẫn quan trọng chiến lược. Quan chức Bộ Thương mại Motoki Kurita cho biết khoản chi trên sẽ bao gồm 700 tỷ Yen để hỗ trợ xây dựng nhà máy của TSMC tại tỉnh Kumamoto, nhà máy thứ hai của công ty ở khu vực phía Nam Nhật Bản.

TSMC kiểm soát hơn 50% sản lượng vi mạch trên thế giới, được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến ô tô và tên lửa. Ông Kurita cho biết chính phủ cũng sẽ chi 650 tỷ Yen để hỗ trợ công ty khởi nghiệp Rapidus của Nhật Bản, nhằm mục đích phát triển các vi mạch thế hệ tiếp theo.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh đại dịch gây gián đoạn và căng thẳng với Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại trên toàn cầu về những rủi ro đối với chuỗi cung ứng chip hiện có. Khả năng cạnh tranh của Nhật Bản với tư cách là nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và các sản phẩm liên quan đã suy yếu trong những năm gần đây và chính phủ của Thủ tướng Kishida đã tìm cách thúc đẩy sản xuất các công nghệ quan trọng.

Phan Anh

Video: Dạy con trẻ biết quan tâm tới mọi người