Tokyo đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow vì cuộc xung đột Nga – Ukraine nhưng nước này từ chối cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga.

Embed from Getty Images

Phát biểu trước Quốc hội hôm 31/5, Bộ trưởng công nghiệp Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án khí tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 của Nga ngay cả khi nước này được yêu cầu làm như vậy.

Phát biểu của bộ trưởng công nghiệp Nhật Bản được đưa ra sau lời chỉ trích của Nga. Tuần trước, Moscow cáo buộc Nhật Bản đang hưởng lợi từ việc tham gia vào dự án này, nhưng lại là “một quốc gia không thân thiện”, đã tham gia cùng với phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

RIA Novosti trích dẫn lời của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda cho biết: “Sakhalin-2 là tài sản mà những người tiền nhiệm của chúng tôi đã làm việc tích cực để có được. Chủ sở hữu đất có thể là Nga, nhưng quyền thuê đất cũng như các thiết bị hóa lỏng và vận chuyển thuộc về chính phủ Nhật Bản và các công ty Nhật Bản. Chúng tôi không có ý định rời bỏ [dự án này], ngay cả khi chúng tôi được yêu cầu [làm như vậy].”

Tuần trước, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin chỉ trích, Nhật Bản đang nhận được “lợi nhuận khổng lồ” từ dự án Sakhalin-2 nhưng lại không thân thiện với Nga, do đó ông đề xuất, cổ phần của Nhật Bản trong dự án này nên được bán cho Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga hoặc bán cho các công ty của “các quốc gia thân thiện”. Mặc dù Nhật Bản đã tham gia cùng với Hoa Kỳ và châu Âu trong việc áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga do cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng quốc gia Đông Á này vẫn không cắt đứt sự hợp tác năng lượng với Moscow.

Sakhalin-2 là một dự án liên doanh giữa Gazprom của Nga (50%), Mitsui và Mitsubishi của Nhật (12,5% và 10%), và Shell của Anh (27,5%). Đây là dự án khí tự nhiên hóa lỏng đặt tại Đảo Sakhalin của Nga nằm gần Nhật Bản. Bởi vì khoảng cách gần của nó, nên việc vận chuyển hàng hóa đến Nhật Bản chỉ mất khoảng ba ngày, do đó giúp giảm chi phí vận chuyển. Nhật Bản nhận được khoảng 9% lượng khí hóa lỏng mà họ cần từ dự án Sakhalin-2

Shell đã công bố kế hoạch ngừng tất cả các hoạt động ở Nga trong bối cảnh các công ty phương Tây đang rút khỏi quốc gia này do cuộc xung đột ở Ukraine. Kể từ đó, nhiều bài báo cho biết, gã khổng lồ năng lượng của Anh đã đàm phán với các công ty Trung Quốc, Ấn Độ để bán cổ phần của mình trong dự án này.

Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc ngừng hợp tác năng lượng với Nga. Trước đó hồi tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh, dự án khí đốt Sakhalin-2 rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước mặt trời mọc.

Tháng trước, Bộ trưởng Koichi Hagiuda nhận định, nếu Nhật Bản rút khỏi các dự án năng lượng hợp tác với Nga, điều này sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây và mang lại lợi ích cho Moscow, bởi vì bước đi này có thể thúc đẩy giá năng lượng tăng cao thêm nữa. Ông còn tiết lộ, Tokyo có ý định tiếp tục nắm giữ đặc quyền của mình trong dự án Sakhalin và Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ áp lực nào từ Hoa Kỳ để rút khỏi các dự án năng lượng hợp tác với Nga liên quan đến dự án Sakhalin.

Theo tờ Nikkei Asia, nếu Mitsui và Mitsubishi rút khỏi dự án năng lượng này, việc thay thế nguồn khí hóa lỏng của Nga từ dự án Sakhalin sẽ khiến Nhật Bản tốn thêm 15 tỷ đô la do giá nhập khẩu từ nguồn khác tăng 35%. Các chuyên gia dự đoán, nếu Nhật Bản quyết định rút khỏi dự án này, Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu lượng khí hóa lỏng của Nhật Bản được hưởng trong dự án sang các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ. hoặc Việt Nam.

Gia Huy (Theo RT)