Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hôm thứ Sáu (26/1) đã ra lệnh cho Israel tránh các hành động diệt chủng khi nước này tiến hành chiến tranh chống lại phiến quân Hamas ở Dải Gaza nhưng không kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

48791287881 f392447304 k
Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York. (Ảnh minh hoạ: Joyce N. Boghgosian)

Tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc chuyên xử lý tranh chấp giữa các quốc gia đã ra phán quyết trong vụ kiện do Nam Phi khởi kiện.

Dưới đây là những điểm chính rút ra từ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế.

Phán quyết của toà án

Tòa án đã ra lệnh cho Israel kiềm chế mọi hành động có thể vi phạm Công ước diệt chủng và đảm bảo quân đội của họ không thực hiện hành vi diệt chủng ở Gaza.

Các thẩm phán cho biết: “Ít nhất một số hành vi và thiếu sót mà Nam Phi cáo buộc là do Israel thực hiện ở Gaza dường như có khả năng nằm trong các điều khoản của Công ước (Diệt chủng)”.

Phán quyết yêu cầu Israel ngăn chặn và trừng phạt mọi hành vi xúi giục công khai phạm tội diệt chủng chống lại người Palestine ở Gaza và lưu giữ bằng chứng liên quan đến bất kỳ cáo buộc diệt chủng nào ở đó.

Israel cũng phải thực hiện các biện pháp để cải thiện tình hình nhân đạo cho thường dân Palestine tại khu vực này.

Tuy nhiên, tòa án không yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Tòa án cũng cho biết họ “rất quan ngại” về số phận của các con tin bị giữ ở Gaza và kêu gọi Hamas cũng như các nhóm vũ trang khác ngay lập tức thả họ vô điều kiện.

Tất cả các thẩm phán có ủng hộ phán quyết không?

Đa số 15 trong số 17 thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp dụng biện pháp tạm thời, trong đó có chủ tịch tòa án Joan Donoghue, quốc tịch Mỹ.

Thẩm phán Julia Sebutinde của Uganda là người duy nhất bỏ phiếu chống lại tất cả sáu biện pháp được tòa án thông qua. Thẩm phán đặc biệt của Israel, Aharon Barak, đã bỏ phiếu chống lại bốn biện pháp.

“Tôi đã bỏ phiếu với hy vọng rằng biện pháp này sẽ giúp giảm căng thẳng và ngăn chặn những lời lẽ gây tổn hại”, ông Barak viết, nêu chi tiết lá phiếu của ông ủng hộ lệnh trừng phạt Israel kích động tội ác diệt chủng.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Israel được yêu cầu nộp báo cáo lên tòa án về các bước họ đã thực hiện để tuân thủ các lệnh trong vòng một tháng kể từ khi ra phán quyết. Tòa án sẽ xem xét chi tiết của vụ việc, một quá trình có thể mất nhiều năm.

Mặc dù các quyết định của ICJ là cuối cùng và không có kháng cáo nhưng tòa án không có cách nào để thi hành chúng.

Công ước Diệt chủng là gì?

Công ước Diệt chủng năm 1948, được ban hành sau vụ thảm sát hàng loạt người Do Thái trong Holocaust của Đức Quốc xã, định nghĩa diệt chủng là: “những hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”.

Các hành vi diệt chủng bao gồm giết chết các thành viên của nhóm, gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên trong nhóm và cố tình gây ra các điều kiện sống nhằm mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần nhóm.

Các bên liên quan phản ứng với quyết định của ICJ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cáo buộc diệt chủng nhắm vào Israel là “thái quá” và nước này sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ. Ông nói Israel có “cam kết vững chắc” đối với luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant bày tỏ sự thất vọng khi ICJ không bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của Nam Phi.

Phía Palestine hoan nghênh rộng rãi phán quyết hôm thứ Sáu (26/1).

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho biết: “Các thẩm phán ICJ đã đánh giá sự thật và luật pháp, họ ra phán quyết có lợi cho nhân loại và luật pháp quốc tế”.

Quan chức cấp cao của Hamas, Sami Abu Zuhri, cho biết phán quyết này đã giúp cô lập Israel trên trường thế giới.

Nam Phi, một nước lâu năm ủng hộ chính nghĩa của người Palestine, ca ngợi phán quyết của ICJ. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông mong Israel sẽ tuân thủ phán quyết và thực hiện các biện pháp ngăn chặn nạn diệt chủng đối với người dân Gaza.