Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh NATO vào thứ Tư (18/5), một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. 

Embed from Getty Images

Thụy Điển và Phần Lan đều trung lập trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và quyết định gia nhập NATO của hai nước là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Quyết định này phản ánh sự thay đổi sâu rộng trong dư luận ở khu vực Bắc Âu kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.

“Đây là một thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm bắt”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một buổi lễ ngắn, trong đó các đại sứ Thụy Điển và Phần Lan đã trao đơn xin gia nhập của mỗi nước. 

Ông Stoltenberg nói: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đề nghị gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Liên minh cho rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho tổ chức ở Biển Baltic.”

Các nhà ngoại giao cho biết việc phê chuẩn của tất cả 30 quốc hội đồng minh có thể mất tới một năm.

Cả hai nước đều công bố việc xin gia nhập NATO hôm thứ Tư bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ ngăn chặn sự mở rộng của liên minh quân sự.

Cả Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga, và Thụy Điển đều đã cân nhắc lại tình trạng trung lập sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Việc gia nhập NATO sẽ chấm dứt hàng thập kỷ không liên kết quân sự để tham gia liên minh như một biện pháp phòng thủ chống lại sự xâm lược trong tương lai từ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai cảnh báo sự mở rộng của NATO có thể kích hoạt phản ứng từ Moscow.

Nhưng trở ngại chính đối với tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển lại đến từ bên trong liên minh, mặc dù ông Stoltenberg liên tục khẳng định hai nước sẽ được chào đón “với vòng tay rộng mở”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan hoạt động như một điểm nóng cho các nhóm khủng bố và Tổng thống nước này khẳng định Ankara sẽ không chấp thuận việc mở rộng.

Để được chấp thuận là thành viên, cả hai nước sẽ phải có sự đồng tình của tất cả 30 thành viên NATO.

Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư rằng ông nghĩ rằng các vấn đề có thể được giải quyết.

Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả các vấn đề và đưa ra kết luận nhanh chóng, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các đồng minh khác.”

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington vào thứ Năm để thảo luận về bước tiến lịch sử này.

Một số đồng minh NATO, đáng chú ý nhất là Anh, đã đưa ra các đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian xin gia nhập trước khi họ được bảo đảm bởi hiệp ước phòng thủ chung của liên minh.

Xuân Lan