Hôm thứ Hai (11/4), Quốc hội Pakistan đã bầu lãnh đạo phe đối lập Shehbaz Sharif làm Thủ tướng mới, một ngày trước đó họ đã bãi chức Thủ tướng đối với ông Imran Khan.

Embed from Getty Images

Tân Thủ tướng Shehbaz Sharif của Pakistan phát biểu trước giới truyền thông vào ngày 7/4 (Aamir Qureshi / AFP).

Ông Sharif là ứng viên duy nhất cho chức thủ tướng mới, ông đã đắc cử với ưu thế 174 phiếu trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai của Quốc hội Pakistan, cùng ngày đã có hơn 100 nghị sĩ từ Đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) của cựu Thủ tướng Imran Khan từ chức tập thể vì cuộc bầu cử thủ tướng mới.

Nếu Chủ tịch Quốc hội chấp nhận đơn từ chức của các nghị sĩ này, Pakistan sẽ đối mặt với viễn cảnh chỉ trong 2 tháng có hơn 100 nghị sĩ được bầu bổ sung – một vấn đề gây phân tâm lớn đối với tân Thủ tướng 70 tuổi Sharif, cũng là cơ sở để cựu Thủ tướng Imran Khan huy động phe cánh ủng hộ chiến lược tiềm năng của ông.

Nếu những người ủng hộ ông Imran Khan xuống đường biểu tình sẽ gây thêm áp lực lên Quốc hội Pakistan và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước.

Để thể hiện thực lực và báo trước sự bất ổn chính trị ở phía trước, sau khi bị lật đổ vào Chủ nhật (10/4), ông Imran Khan đã tập hợp hàng trăm ngàn người ủng hộ để phản đối, diễn tả chính phủ tiếp theo là “chính phủ áp đặt”. Tại các thành phố trên khắp Pakistan, những người ủng hộ ông Imran Khan đã diễu hành với những lá cờ đảng khổng lồ thề ủng hộ ông.

Ông Sharif được biết đến trong nước với tư cách là một nhà quản trị hiệu quả chứ không phải một chính trị gia. Ông là em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Có phân tích cho rằng không giống như ông Nawaz, ông Sharif thân thiện với phe quân đội Pakistan có truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng ở nước này. Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai, ông tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng bất ổn trong nền kinh tế: đồng rupee đã xuống mức thấp kỷ lục và tuần trước Ngân hàng Trung ương Pakistan đã tăng lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ .

Ông nói trước Quốc hội: “Nếu chúng ta phải cứu con tàu đang chìm, tất cả chúng ta cần làm việc chăm chỉ, đoàn kết, đoàn kết và đoàn kết, chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên phát triển mới”.

The Hill đưa tin, chiến thắng của ông Sharif sẽ không đảm bảo con đường phát triển hòa bình cho Pakistan – hoặc giải quyết nhiều vấn đề kinh tế của Pakistan, bao gồm lạm phát cao và cuộc khủng hoảng năng lượng tăng cao.

Đã từ lâu ông Imran Khan luôn cáo buộc Mỹ đứng sau vụ lật đổ ông, điều mà Washington phủ nhận.

Ông Sharif cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ là rất quan trọng đối với Pakistan, trái ngược hoàn toàn với mối quan hệ rắc rối của ông Imran Khan với Washington. Trong bài phát biểu đầu tiên khi đắc cử, ông Sharif cũng nói về việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi muốn quan hệ tốt với Ấn Độ, nhưng không có giải pháp ở Kashmir thì hòa bình lâu dài sẽ không thể đạt được”.

Ông cũng cho biết chính phủ của ông sẽ đẩy nhanh việc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD, nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã bị các nước phương Tây lên án. Tháng 7/2019, giáo sư Panos Mourdoukoutas, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Long Island ở New York đã xuất bản một bài báo trên Forbes chỉ ra 3 vấn đề lớn với dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc: (1) Không khả thi về mặt kinh tế; (2) Xây dựng với chi phí quá cao; 3) Gánh nặng nợ nần cho nước đối tác. Bài viết cho hay, điều đó đã gây nhiều dự án tốn kém nhưng không thực tế cho các nước hợp tác nhỏ, và nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sử dụng thủ đoạn hối lộ để thúc đẩy dự án “Vành đai và Con đường”.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gọi “Vành đai và Con đường” là “con đường không quay lại” để ràng buộc nước tham gia, và là “ngoại giao bẫy nợ” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Vào thời điểm đó, chính quyền ông Trump tố cáo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường khiến các nước đối tác thanh toán cho các nhà thầu Trung Quốc bằng cách vay từ Trung Quốc, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mà nước đối tác không có khả năng chi trả. Khi các nước đối tác không có khả năng trả nợ thì Trung Quốc sẽ nhân cơ hội để cướp đoạt các nguồn tài nguyên chiến lược của họ.

Vào tháng 10/2018, Pakistan đã phải yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính do thâm hụt thương mại tăng cao và dự trữ ngoại hối cạn kiệt, đồng thời phải trả nợ vào cuối năm.

Cho đến nay, chưa có thủ tướng được bầu cử dân chủ nào của Pakistan thành công hoàn thành nhiệm kỳ, mặc dù ông Imran Khan là Thủ tướng đầu tiên bị loại bỏ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Trong lịch sử gần 75 năm của Pakistan thì gần một nửa thời gian đó đất nước này nằm dưới cai trị của quân đội. Khi ông Imran Khan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018 đã được ủng hộ rộng rãi trong quân đội vì chương trình nghị sự bảo thủ, nhưng sự ủng hộ đó đã suy giảm sau những vấn đề trong việc bổ nhiệm các giám đốc tình báo quân sự và kinh tế.