Hôm thứ Ba (7/11), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm bán các sản phẩm của Coca-Cola và Nestle trong khuôn viên quốc hội bởi vì các công ty này bị cáo buộc ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hamas.

Trong một thông báo, cơ quan lập pháp hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Sản phẩm của các công ty ủng hộ Israel sẽ không được bán trong các nhà hàng, quán cà phê và quán trà trong khuôn viên quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nama Kurtulmus giải thích, lệnh cấm được ban hành nhằm “ủng hộ cảm xúc của công chúng liên quan đến việc tẩy chay sản phẩm của các công ty đã công khai tuyên bố ủng hộ tội ác chiến tranh của Israel,” mà ông tuyên bố bao gồm cả “việc giết hại những người vô tội ở Gaza.

Một nguồn tin quốc hội lưu ý hãng tin Reuters rằng lệnh cấm này đặc biệt nhắm vào Coca-Cola và Nestle, những thương hiệu duy nhất thực sự bị loại khỏi thực đơn trong khuôn viên quốc hội hôm thứ Ba (7/11). Nguồn tin này cho biết, có “sự phản đối kịch liệt của công chúng đối với các công ty này.

Reuters lưu ý rằng cả Chủ tịch Quốc hội Kurtulmus, nguồn tin nội bộ và thông báo công khai của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều không giải thích thỏa đáng việc Coca-Cola và Nestle đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Israel chống lại Hamas như thế nào. Tuy nhiên, mô tả của nguồn tin quốc hội về việc các mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang làm sôi sục sự tức giận của các nhà hoạt động đối với hai công ty này là chính xác.

Có rất ít câu trả lời cụ thể về lý do tại sao các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hamas lại chọn Coca-Cola và Nestle để tẩy chay. Phần lớn có thể là do sản phẩm của hai công ty này phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ nên việc kêu gọi cấm các sản phẩm này sẽ thu hút sự chú ý của công chúng.

Al-Monitor, một trang web tin tức chuyên về Trung Đông có trụ sở ở Washington DC, không thể đưa ra mối liên hệ nào giữa Coca-Cola và Nestle với Israel, ngoại trừ thông báo của Nestle vào tháng trước rằng họ sẽ “đóng cửa tạm thời” nhà máy ở Israel như một “biện pháp phòng ngừa”. Phát biểu với các phóng viên, Giám đốc điều hành Mark Schneider của Nestle giải thích, quyết định này được đưa ra bởi vì công ty tập trung vào “việc giữ an toàn cho các đồng nghiệp và nhân viên của chúng tôi.

Nestle đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách tẩy chay chống Israel trong nhiều năm mà không rõ lý do. Thực tế, Nestle đã đưa ra một thông báo vào năm 2017, nhấn mạnh rằng họ không “tài trợ, quyên góp, hoặc hỗ trợ tài chính cho Israel” sau khi các hoạt động ủng hộ Palestine đưa thêm công ty này vào một danh sách tẩy chay khác.

Coca-Cola đã âm thầm xóa đi các đề cập đến đến việc hỗ trợ tài chính cho phong trào Black Lives Matter (BLM) khỏi trang web của mình vào cuối tháng Mười sau khi BLM bày tỏ sự ủng hộ đối với những kẻ giết người và hiếp dâm Hamas. Mặc dù câu chuyện nhanh chóng bị lãng quên này dường như không khiến các nhà hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ, nhưng cả các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đều gặp khó khăn để đưa ra được lý do nào khác khiến Coca-Cola bị thêm vào danh sách tẩy chay “ủng hộ Israel”.

Hôm 7/11, tờ Hindustan Times cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra lệnh quốc hội cấm Coca-Cola và Nestle, có lẽ để thể hiện quyền lực của ông và xoa dịu các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hamas. Tuy nhiên, Hindustan Times không giải thích chi tiết về nhận định của họ.

Hôm thứ Hai (6/11), tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt kê nhiều hoạt động tẩy chay hàng hỏa của các công ty Israel hoặc thân Israel, trong đó đề cập ngắn gọn đến Coca-Cola là một trong những thương hiệu bị nhắm mục tiêu, nhưng không giải thích rõ lý do tại sao.

Các mục tiêu bị tẩy chay khác ở Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Unilever, cà phê Starbucks và các nhà hàng McDonald. Một nhóm “thanh niên am hiểu công nghệ” đã tạo ra tiện ích mở rộng trình duyệt Google Chrome có tên “Palestine Pact” để tự động làm mờ các quảng cáo trực tuyến của bất kỳ thương hiệu nào bị thêm vào danh sách tẩy chay.

Người đứng đầu chi nhánh AKP ở Istanbul tuyên bố, các chính trị gia thuộc đảng AKP cầm quyền do Tổng thống Erdogan lãnh đạo đã khuyến khích việc tẩy chay các sản phẩm của Israel hoặc được cho là thân thiện với Israel “cho đến khi thành lập một nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập với thủ đô là Jerusalem.