Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU được tổ chức tại Bắc Kinh vào thứ Năm (ngày 7/12). Hai bên đã không đưa ra được tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh mà đã tổ chức các cuộc họp báo riêng sau cuộc gặp để nhấn mạnh quan điểm khác nhau của mình, cho thấy hai bên có sự khác biệt về nhiều vấn đề.

von der Leyen
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU. (Ảnh: Chụp màn hình video)

ĐCSTQ luôn coi châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng và rất lo lắng về các chính sách bảo hộ thương mại và “giảm thiểu rủi ro” của EU đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ĐCSTQ ngày càng thường xuyên sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế đã thúc đẩy EU tìm cách “giảm thiểu rủi ro”, nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc về các nguyên liệu và sản phẩm thô quan trọng.

Sau hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), Vụ trưởng Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao vào tối thứ Năm; trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen tổ chức họp báo tại Văn phòng EU ở Bắc Kinh. Cả hai bên đã nói những điều khác nhau tại cuộc họp báo, nêu bật lập trường khác nhau của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh.

Mất cân bằng thương mại

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cân bằng quan hệ thương mại EU – Trung Quốc, bởi vì thâm hụt thương mại của khối EU với Trung Quốc lên tới gần 400 tỷ euro (431,7 tỷ USD) vào năm ngoái, so với 40 tỷ euro 20 năm trước. Mất cân bằng thương mại là một trong những vấn đề được EU rất quan tâm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết trong một cuộc họp báo rằng hội nghị thượng đỉnh lần này cơ hội để nêu lên mối quan ngại của EU với lãnh đạo ĐCSTQ. Bà nói: “Nếu nhìn vào hai năm qua, thâm hụt thương mại (EU – Trung Quốc) đã tăng gấp đôi. Đây là vấn đề được nhiều người châu Âu hết sức quan tâm.”

“Sự mất cân bằng này là không thể tiếp tục, nguyên nhân sâu xa đã được biết rõ và chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này, từ việc các công ty châu Âu khó tiếp cận thị trường Trung Quốc, đến việc các doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc nhận được sự đối xử ưu đãi của ĐCSTQ và tình trạng dư thừa năng lực ở Trung Quốc,” bà nói.

Ông Vương Lỗ Đồng cho biết, châu Âu đôi khi liên kết sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu với tình trạng dư thừa công suất và trợ cấp, nhưng Trung Quốc không tin rằng có tình trạng dư thừa công suất trong các lĩnh vực như năng lượng xanh và năng lượng sạch.

Ông nói: “Nếu các bạn muốn chúng tôi hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của EU, thì các bạn không thể tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ. Các bạn phải lựa chọn giữa chủ nghĩa bảo hộ và khuyến khích Trung Quốc tham gia vào các mục tiêu chuyển đổi xanh của Châu Âu”.

Trợ cấp thương mại và các vấn đề “giảm thiểu rủi ro”

EU nhấn mạnh rằng các khoản trợ cấp khổng lồ của Chính phủ ĐCSTQ cho các công ty Trung Quốc đã gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, và các sản phẩm bán phá giá từ Trung Quốc gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các công ty và việc làm ở châu Âu.

Bà von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo, “Về mặt chính trị mà nói, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không khoan nhượng cho nền tảng công nghiệp của chúng ta bị tổn hại do cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi thích cạnh tranh. Nó (sự cạnh tranh) khiến chúng tôi tốt hơn; nó giảm giá thấp hơn; điều này tốt cho người tiêu dùng. Nhưng cạnh tranh cần phải công bằng. … Châu Âu không có ý định tách khỏi Trung Quốc. … Điều chúng tôi muốn là ‘giảm rủi ro’. ‘Giảm rủi ro’ là quản lý những rủi ro mà chúng tôi nhận thấy, bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giải quyết sự phụ thuộc quá mức… Từ đó cải thiện khả năng phục hồi của chúng tôi. Điều này không phải là đặc biệt nhắm vào Trung Quốc.”

Ông Vương Lỗ Đồng cho biết, trong cuộc họp, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về các chính sách kinh tế và thương mại “giảm thiểu rủi ro” và hạn chế của EU, bao gồm cả cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc, 5G và các vấn đề khác. Đồng thời kêu gọi EU tiếp tục duy trì thương mại và thị trường đầu tư mở cửa, cung cấp môi trường kinh doanh công bằng các cho các công ty Trung Quốc, không phân biệt đối xử và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách thận trọng.

Vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nhắc lại quan điểm của EU về các vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông tại cuộc họp báo, phản đối việc ĐCSTQ thay đổi hiện trạng. Ông cho biết hòa bình và ổn định là quan trọng ở mọi nơi, kể cả châu Á. “Chúng tôi lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Chúng tôi phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc ép buộc, EU kiên trì tuân thủ ‘Chính sách một Trung Quốc’. Tôi tin rằng Trung Quốc nhận thức đầy đủ được hậu quả nghiêm trọng nếu tình hình khu vực leo thang.”

Ông Vương Lỗ Đồng nói rằng Trung Quốc đã nói rõ lập trường nguyên tắc của mình đối với các vấn đề như Đài Loan, v.v, nhấn mạnh rằng EU nên có những hành động thiết thực để tuân thủ “nguyên tắc một Trung Quốc” và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Vấn đề nhân quyền

Ông Michel đề cập đến vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Ông nói: “Đối với EU, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là những giá trị phổ quát. Chúng tôi sẽ không bao giờ nhắm mắt làm ngơ trước các vụ việc về nhân quyền.”

“Hôm nay chúng tôi đang tiếp tục cuộc đối thoại (nhân quyền) này ở cấp cao nhất. Chúng tôi cũng đang nêu ra những trường hợp đáng lo ngại cụ thể, chẳng hạn như vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hoặc Tây Tạng.”

Ngược lại, ông Vương Lỗ Đồng chỉ trích vấn đề nhân quyền ở các nước châu Âu và cho rằng không nên dùng vấn đề nhân quyền làm cây gậy để tấn công Trung Quốc. Sự tiến bộ của Trung Quốc về nhân quyền đã được đánh giá cao và công nhận.

Vấn đề Ukraine

Về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo EU nhắc lại rằng Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Cuộc chiến tranh xâm lược do Nga phát động là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu. Đây là lý do tại sao chúng tôi nhắc lại rằng Trung Quốc cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược này và tham gia vào giải pháp hòa bình của Ukraine.” Bà von der Leyen nói, “Chúng tôi cũng một lần nữa kêu gọi Trung Quốc không cung cấp thiết bị gây chết người cho Nga và ngăn chặn những nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu tác động của các lệnh trừng phạt (phương Tây).”

Ông Vương Lỗ Đồng nói, “Các chính trị gia châu Âu đôi khi nói với chúng tôi rằng Trung Quốc cần nói chuyện với Nga, trong khi các bạn (châu Âu) mới cần nói chuyện với Tổng thống Putin về việc rút quân”. Ông nói thêm rằng điều quan trọng là châu Âu và Nga phải nói về cấu trúc an ninh khả thi, đồng thời một điều rất quan trọng là Nga và Mỹ phải thảo luận về sự ổn định chiến lược có thể có.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, tổ chức tư vấn “Hội đồng Đại Tây Dương” của Mỹ đã nói rõ rằng hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​​​sẽ không mang lại kết quả gì đáng kể, mà chỉ là chụp ảnh và trao đổi quan điểm. Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra trống rỗng như dự đoán, điều đó sẽ khiến EU phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các hội nghị này.