Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 28/3 đã lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Campuchia hiện là chủ tịch.

Embed from Getty Images

Nga đã phát động cái mà họ gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine chỉ hơn một tháng trước, làm dấy lên cuộc khủng hoảng địa chính trị và nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Hai nước hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu hôm 28/3 tại lễ khánh thành Bệnh viện Tai Mũi Họng Hữu nghị Campuchia – Hàn Quốc thuộc Bệnh viện Ang Duong, ông Hun Sen lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga, đồng thời khẳng định “Campuchia luôn giữ vững lập trường về nguyên tắc, bất kể Nga, hay bất kỳ nước nào xâm lược nước khác, Campuchia luôn phản đối.”

Thủ tướng cho biết thêm, Nga là bạn của Campuchia và từng giúp đỡ Campuchia, nhưng “hành động gây hấn này là không thể chấp nhận được đối với Campuchia và Campuchia không thể trung lập.”

“Sau này, nếu một quốc gia hành động như vậy với Campuchia, thì Campuchia sẽ phải phụ thuộc vào ai? Chúng tôi thực hiện chính sách đối ngoại dựa trên luật pháp. Hiến chương Liên hợp quốc không áp dụng chính sách đối ngoại dựa trên vũ lực”.

“Quan điểm chính thức của chúng tôi là cực kỳ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác trong quan hệ quốc tế, chúng ta phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước. Tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine cũng ngang bằng với tôn trọng độc lập và chủ quyền của Campuchia,” ông nói, theo tờ Khmer Times.

Ông Hun Sen viện dẫn lịch sử bị Việt Nam chiếm đóng của Campuchia và bày tỏ hoài nghi về khả năng của Nga trong việc chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Tôi vẫn đoàn kết với người dân Ukraine chống lại cuộc xâm lược”, ông nói thêm.

Trong các tuyên bố của ASEAN do Campuchia làm chủ tịch, khối đã kêu gọi kiềm chế và đối thoại, nhưng không đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc xâm lược.

Trong số 10 quốc gia thành viên của ASEAN, chỉ có Singapore đã công bố các lệnh trừng phạt riêng đối với Nga, nhắm vào các ngân hàng và xuất khẩu hàng điện tử – một động thái hiếm hoi đối với chính quyền nước này. 

Những nước khác như Indonesia, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay và tuyên bố sẽ giữ thái độ trung lập, đã nêu quan ngại về cuộc xâm lược nhưng không lên án nó.

Campuchia là thành viên đồng bảo trợ nghị quyết khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ về tình hình Ukraine, và trong số 141 quốc gia đã bỏ phiếu lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Trong khi đó, Việt Nam đã cùng với 34 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.

Xuân Lan