Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ Nhật (13/8) đã tuyên bố trên truyền thông rằng cần nỗ lực ngoại giao lớn hơn nữa để kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra phát biểu nêu trên trong cuộc trả lời phỏng vấn chính thường niên với đài phát thanh Đức ZDF, chương trình được phát sóng vào Chủ Nhật (13/8). Ông đưa đã kêu gọi tăng cường nỗ lực ngoại giao thêm nữa và khẳng định biện pháp ngoại giao là thực sự hữu dụng để “ép” Nga.

Đối với chúng ta những cuộc đối thoại này là rất có ý nghĩa, bởi vì chúng làm gia tăng áp lực lên Nga để họ nhận ra rằng họ đã đang chọn con đường sai lầm và rằng họ cần phải rút quân đội và tạo cơ hội cho hòa bình”, ông Scholz tuyên bố.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng cả hội nghị ngoại giao tại Đan Mạch hồi tháng Sáu và hội nghị gần đây tại Ả Rập Saudi về hòa bình Ukraine đều là những sự kiện “rất đặc biệt”.

Chúng rất đặc biệt và chúng thực sự chỉ bắt đầu”, ông Scholz tuyên bố về hai hội nghị hòa bình.

Hội nghị tại Jeddah ở Ả Rập Saudi vừa qua thu hút sự tham gia của các cố vấn an ninh và các nhà ngoại giao cấp cao đến từ khoảng 40 quốc gia. Ukraine cũng có đại diện, nhưng Nga không được mời. Các bên tuyên bố hội nghị đã có những cuộc đối thoại thực chất, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nhưng rốt cuộc, các bên đã không đưa ra được tuyên bố chung và không đạt được bất kỳ kết quả thực chất nào. Điểm đáng chú ý nhất là các bên tham gia hội nghị đã đồng thuận rằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên được tôn trọng.

Nga đã bác bỏ cả hai cuộc đàm phán đa phương về hòa bình Ukraine ở Đan Mạch và Ả Rập Saudi gần đây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng “không có sự tham dự của Nga và không tính đến những lợi ích của Nga, thì không cuộc họp nào về cuộc khủng hoảng Ukraine có được bất kỳ giá trị gia tăng nào”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ZDF, ông Scholz đã không trả lời trực tiếp vào trọng tâm vấn đề khi được hỏi về viễn cảnh hỗ trợ quân sự thêm nữa cho Ukriane, đặc biệt là các đồn đoán về việc Berlin sắp chuyển tên lửa hành trình tầm xa tối tân Taurus cho Kyiv.

Ông Scholz nói: “Như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn luôn đánh giá từng quyết định một cách rất cẩn thận, cái gì có thể, cái gì hợp lý, cái gì chúng tôi có thể đóng góp”.

Khác với nhiều quốc gia phương Tây khác, Đức từ lâu đã từ chối yêu cầu của Ukraine về cung cấp khí tài quân sự tối tân. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi vào đầu năm nay khi Berlin phải miễn cưỡng nhượng bộ trước áp lực gia tăng và đã đồng ý chuyển xe tăng chiến đấu Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba được tái xuất các xe cơ giới quân sự do Đức sản xuất cho Ukraine.

Hải Đăng (Theo RT)