“Israel là quốc gia dân chủ… chúng tôi tin chắc rằng quân đội Israel sẽ tuân thủ luật mà quốc tế quy định trong mọi việc họ làm,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phóng viên.

231027 olaf 01 scaled
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề cuộc họp thượng đỉnh của EU hôm 27/10/2023 (ảnh cắt từ video)

Những người Israel sống sót sau vụ tấn công ngày 7/10 của các tay súng Hamas đã lặn lội tới Brussels để biểu tình, kêu gọi ủng hộ quân đội Israel và phản đối Hamas, nhân dịp các thành viên EU tổ chức họp mặt thượng đỉnh hai ngày kể từ Thứ Sáu 27/10.

Nhưng dường như họ không cần thiết phải làm như vậy, vì đa số các đại biểu của các quốc gia thành viên EU dường như không cần phải được thuyết phục về vấn đề này. Tuy EU đồng ý rằng cần cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở Gaza, nhưng EU không hề kêu gọi ngừng bắn, và cũng không lên án Israel khi hàng ngàn người dân thường Palestine đang bị bom đạn của Israel giết chết.

“Israel là quốc gia dân chủ tuân thủ các nguyên lý nhân đạo. Cho nên, chúng tôi tin chắc rằng quân đội Israel sẽ tuân thủ luật mà quốc tế quy định trong mọi việc họ làm,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời các phóng viên bên lề cuộc họp của EU về chủ đề tạo hành lang nhân đạo cho hàng viện trợ có thể tiếp tế vào Gaza. “Tôi không có nghi ngờ gì về điều đó.”

Đương nhiên, 27 thành viên của Liên minh Châu Âu EU vẫn là không thống nhất cùng một quan điểm. Các thành viên như Tây Ban Nha, Hà Lan, và Bỉ cũng nêu những phê bình về hành động quân sự của Israel những ngày qua.

“Israel có quyền tự vệ,” Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói với các phóng viên. “Nhưng điều đó không thể nào được dùng làm cái cớ để cắt sạch các nguồn nhu yếu phẩm dành cho sinh tồn. [Israel] phong tỏa Gaza là việc làm không chấp nhận được, và cần phải chấm dứt.”

EU đang kêu gọi để sớm có cuộc họp quốc tế về “hòa bình”. Cho đến nay, vẫn chưa có được hành động mang tính thực tiễn cho tình trạng ngày càng tồi tệ ở Gaza.

Phóng viên địa phương của Al Jazeera bình luận rằng hành động của EU hôm nay thể hiện quá rõ ràng tiêu chuẩn kép của họ, nếu so với những gì họ cùng nhau lên án Nga vào năm ngoái khi Nga đưa quân tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

Cũng vào dịp này, dường như cảm thấy chỗ sáng trung tâm các sự kiện đã chuyển hướng sang chiến tranh Israel, Tổng thống Ukraine đã lên tiếng, nói rằng các thành viên EU nên tiếp tục viện trợ cho chính quyền Kiev, lập luận rằng cả chiến tranh Ukraine và chiến tranh Israel đều liên quan đến an ninh của Châu Âu.

Mỹ vẫn duy trì viện trợ thường niên cho Israel nhiều năm qua. Năm 1999, chính quyền Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ viện trợ quân sự cho Israel ít nhất 2,67 tỷ USD/năm trong vòng 10 năm. Đến 2009, con số này được đẩy lên thành 3 tỷ USD/năm. Kể từ năm 2019 đến nay, đất nước chỉ có 9,5 triệu người Israel này nhận viện trợ quân sự từ Mỹ tối thiểu 3,8 tỷ USD/năm.

Hiện nay, do những mâu thuẫn ở Quốc hội Mỹ, nơi có nhiều tiếng nói phản đối viện trợ vũ khí cho Ukraine, vì các lý do khác nhau ví như nạn tham nhũng, thì gói viện trợ dành cho Israel dự kiến sẽ rất nhanh được thông qua.

Về phía Hamas, một phái đoàn của Hamas đã tới Nga kỳ vọng lấy Nga làm trung gian để đàm phán ngừng bắn và Hamas sẽ thả con tin. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, quân Hamas đã nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể thả con tin khi mà Israel ngừng bắn.

Các thông báo mới nhất từ Israel cho thấy họ vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch tiếp tục công hãm và oanh tạc Gaza.