Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 560.000 ca mắc COVID-19 mới và 9.200 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 201.452.216 ca, trong đó có khoảng 4.159.768 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ dẫn đầu thế giới với 88.934 ca mới; tiếp theo là Iran (39.139 ca) và Ấn Độ (36.316 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 2.048 người chết, tiếp theo là Brazil (1.066 ca) và Nga (792 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 36.872.488 người, trong đó có 634.543 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.033.333 ca nhiễm, bao gồm 429.183 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 20.212.642 ca bệnh và 564.773 ca tử vong.

Tại Israel, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đã vượt  6.000 ca/ngày trong bối cảnh nhiều trường học đã kết thúc kỳ nghỉ hè nhưng số lượng công dân được tiêm phòng vẫn chưa đạt tỷ lệ yêu cầu.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Israel, ngày 9/8 ghi nhận 6.275 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu tháng 2/2021, khi Israel đang ở thời kỳ đỉnh dịch. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính lên tới gần 5% cũng là mức cao kỷ lục trong 5 tháng qua. Số ca nặng cũng tăng 394 ca, trong đó 64 ca đang phải dùng đến thiết bị trợ thở. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày 8/8 là 16 ca, tăng mạnh so với tháng trước, nâng tổng số ca tử vong tại Israel kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện lên 6.559 ca.

Giới chức Israel hiện đang lo ngại làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây ra sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát khi mùa tựu trường của các học sinh, sinh viên đang đến gần sau kỳ nghỉ Hè. Mặc dù đã có 63% dân số  được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, song học sinh dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm và đang là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất; chưa kể hiện vẫn còn hơn 1 triệu người trưởng thành dù thuộc diện phải tiêm chủng nhưng vẫn không chịu đi tiêm.

Hầu hết các trường học của cộng đồng Do Thái giáo tại Israel đã bước vào năm học mới kể từ ngày 9/8, trong khi đa phần các trường bình thường sẽ khai giảng vào đầu tháng 9. Thông báo của cơ quan y tế Israel cho biết, xét nghiệm huyết thanh đối với học sinh thuộc cộng đồng Do Thái giáo ở một số địa phương đã cho kết quả dương tính với virus corona lên tới 17,7%. Việc xét nghiệm nhằm phân luồng học sinh để đảm bảo giãn cách an toàn, phục vụ cho kế hoạch khai giảng năm học mới như thường lệ, vừa được chính phủ nước này thông qua.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 8/8 đã kêu gọi cộng đồng Arab tại nước này tăng cường đi tiêm chủng do tỷ lệ tiêm trong cộng đồng này hiện vẫn khá thấp. Theo ước tính, vẫn còn gần 400.000 người Israel gốc Arab trên 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin COVID-19, chiếm khoảng 36% trong số những người đủ điều kiện nhưng chưa tiêm.

Tại Anh, ngày 10/8, quốc gia này đã ghi nhận 146 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 12/3, do tác động của sự gia tăng các ca mắc mới vào tháng trước.

Theo số liệu của Chính phủ Anh, số ca mắc COVID-19 trong ngày 10/8 tại nước này đã giảm xuống còn 23.510 ca, so với 25.161 ca vào ngày 9/8. Con số này chưa bằng một nửa so với mức đỉnh 54.674 ca được ghi nhận vào ngày 17/7, 2 ngày trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn tại Anh. Tuy nhiên, các ca mắc mới bắt đầu tăng trở lại, với 196.047 người Anh mắc COVID-19 trong tuần qua, cao hơn 7% so với tuần trước và là số ca mắc trong tuần cao nhất trong tháng.

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã đi trước trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ở Anh nhờ chương trình tiêm vắc-xin đại trà, mà theo ông Johnson đã phá vỡ phần lớn mối liên hệ giữa các ca mắc và các ca nhập viện và tử vong do COVID-19. Được biết, 3/4 người trưởng thành ở Anh hiện đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 và 89% đã tiêm ít nhất 1 liều.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch tiêm liều tăng cường trong tháng tới.

Tại Úc, ngày 10/8, giới chức trách thông báo tăng cường thực thi biện pháp giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch.

Chính quyền bang NSW cho biết cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra số lượng người được phép ở trong các cửa hàng nhỏ và kiểm soát những người di chuyển trong trường hợp không cần thiết.

Hơn 5 triệu dân thành phố Sydney hiện đang thực hiện lệnh giãn cách trong hơn 6 tuần trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát mạnh do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao. Thành phố lớn nhất Australia công bố thêm 343 ca mắc ngày 10/8, tăng 66 ca so với một ngày trước.

Chính quyền bang NSW cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong. Tổng cộng 357 ca mắc đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 60 ca được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt với 28 ca cần thở máy.

Tại Indonesia, ngày 10/8, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 của Chính phủ nước này đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Mốc cao nhất là 2.069 ca tử vong, được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 110.619 ca.

Số ca tử vong ở Indonesia liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua. Nước này cũng ghi nhận 32.081 ca mắc mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên mức 3.718.821 ca.

Trước đó hôm 9/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 từ ngày 10-16/8 tại Java và Bali, và từ ngày 10-23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài hai hòn đảo đông dân này. Chính phủ cũng quyết định nới lỏng có điều kiện một số hạn chế xã hội, như cho phép mở cửa các trung tâm thương mại, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu, tổ chức dạy học trực tiếp và hoạt động cầu nguyện tại nhà thờ.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Indonesia ngày 10/8 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay chỉ thị nói trên được đưa ra xuất phát từ nhận định rằng dịch COVID-19 có khả năng còn tồn tại ở Indonesia trong một thời gian dài. Ông Budi khẳng định trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong 6 lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.

Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm đảm bảo rằng các quy định phòng dịch sẽ “đồng hành với cuộc sống hàng ngày” của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này phát hiện thêm 1.539 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 213.987 ca. Hàn Quốc cũng thông báo có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng thủ đô Seoul đến ngày 22/8 tới, trong khi đa số các khu vực khác áp dụng lệnh giãn cách ở cấp độ 3.

Thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4, mức cao nhất, để phòng ngừa dịch COVID-19. Theo đó, 7 bãi tắm nổi tiếng của thành phố đều phải tạm đóng cửa, dừng đón du khách. Dù chỉ tạm bị đóng cửa, nhưng chỉ 2 tuần nữa là qua đợt cao điểm nghỉ mát mùa Hè, nên hoạt động của các bãi tắm này trong năm nay coi như đã kết thúc vào cuối tuần trước. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng giới hạn tụ tập riêng tư dưới 4 người cho tới 18h, và chỉ 2 người vào ban đêm.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc hướng dẫn vẫn cho học sinh tới trường ở mức giãn cách xã hội cấp độ 4, song chính quyền thành phố Busan vẫn quyết định chuyển sang giảng dạy từ xa bắt đầu từ tuần này, áp dụng trong vòng 1 tuần, sau đó sẽ quyết định phương án giảng dạy cụ thể.

Tại Thái Lan, kết quả khảo sát của Cục Khoa học Y tế cho thấy biến thể Delta đang nhanh chóng trở thành biến thể chính ở Thái Lan, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể này.

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supphakit Siriluck ngày 10/8 cho biết trong số 1.632 mẫu được khảo sát vào tuần trước, có 1.499 mẫu (tương đương 91,9%) đã nhiễm biến thể Delta; 129 mẫu (7,9%) nhiễm biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và có 4 mẫu (0,2%) nhiễm biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Ngoài 3 biến thể trên, chưa có biến thể nào khác được phát hiện ở Thái Lan.

Tiến sĩ Supphakit nhận xét xu hướng lây nhiễm ở Thái Lan cho thấy biến thể Delta đang nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến và có thể được tìm thấy ở tất cả các tỉnh, trong khi biến thể Alpha cuối cùng sẽ không tồn tại. Riêng biến thể Beta vẫn sẽ ở các tỉnh miền Nam và không lan ra các vùng khác.

Thái Lan ngày 10/8 lại ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mốc cao mới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 19.843 ca nhiễm và 235 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 795.951, trong đó có 6.588 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan, với 4.226 ca nhiễm mới cùng 111 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 10/8.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: