Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 14/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 522.324 ca mắc COVID-19 mới và 8.122 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 187.937.707 ca, trong đó có khoảng 4.043.469 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 14/7, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch. Brazil và Indonesia hiện là 2 nước dịch diễn biến nghiêm trọng nhất thế giới, dịch cũng đang lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới  WHO, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hiện đã xuất hiện tại hơn 110 quốc gia trên thế giới.

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales quyết định gia hạn phong tỏa thành phố Sydney thêm ít nhất 14 ngày, sau khi các biện pháp hạn chế áp dụng trong 3 tuần trước đó không dập tắt được đợt bùng phát dịch mới nhất. Theo đó, lệnh phong tỏa sẽ được duy trì cho đến ngày 30/7, thay vì ngày 16/7 như dự kiến trước đó.

Trong 24 giờ qua, Sydney ghi nhận 97 ca mắc mới, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố lớn nhất của Australia với 5 triệu dân này đang chật vật kiểm soát sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Nhiều cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã đóng cửa, học sinh phải ở nhà và người dân chỉ được ra ngoài khi cần thiết hoặc tập thể dục.

Tại Anh, chính quyền thủ đô London tiếp tục yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19/7, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch. Chính quyền London nhận định việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ là một “lớp phòng vệ” hữu hiệu, mang lại sự yên tâm cho cư dân thủ đô và du khách.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh và đề cao ý thức phòng dịch của cá nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được đưa ra quá sớm có thể khiến số ca mắc tăng mạnh trở lại.

Tại Israel, trong ngày 14/7, nhà chức trách nước này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi vắc-xin của Pfizer/BioNTech thứ 3 cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này gia tăng trở lại trong những ngày gần đây do biến thể Delta.

Đối tượng được tiêm bao gồm những người từng được ghép tim, phổi, thận hoặc có bệnh nền như ung thư, dễ bị nhiễm virus. Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất tại Israel – đã trở thành nơi thực hiện tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech mũi thứ 3 đầu tiên trên thế giới.

Trước đó, với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế xã hội. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này trong 2 ngày qua liên tục ở mức trên 500 ca/ngày. Có nhiều bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau 2 liều vắc-xin. Trước những diễn biến mới, Bộ Y tế Israel đã quyết định cho phép tiêm thêm 1 liều vắc-xin cho người dân ngay cả khi Mỹ và châu Âu chưa cấp phép việc này theo đề nghị của hãng Pfizer/BioNTech.

Tại Indonesia, trong 1 ngày qua, đây là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ, trở thành tâm dịch mới của châu Á.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 681 ca nhiễm các biến thể của virus corona nằm trong danh sách “đáng lo ngại” (VOC) của WHO.

Số ca nhiễm các biến thể gồm Alpha, Beta và Delta, đã được Cơ quan Nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia phát hiện, qua giải mã trình tự bộ gene đối với 2.951 mẫu bệnh phẩm. Theo đó, số ca nhiễm biến thể Delta nhiều nhất, với 615 ca, tiếp đó là 54 ca nhiễm Alpha và 12 ca nhiễm Beta.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã liên tục gia tăng trong vài tuần qua, được cho là hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr tháng 5 và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, đặc biệt là biến thể Delta.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: