Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 445.849 ca mắc COVID-19 mới và 7.180 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 185.875.104 ca, trong đó có khoảng 4.010.508 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 9/7, thế giới có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Tại Hàn Quốc, chính phủ cũng đã quyết định nâng các biện pháp hạn chế tại thủ đô Seoul lên mức cao nhất, từ ngày 12/7, sau khi nước này ghi nhận thêm 1.316 ca mắc mới, trong đó 1.236 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi Hàn Quốc thông báo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1/2020.

Tại Nga, ngày 9/7, nước này thông báo có thêm 25.766 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1 trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát số ca bệnh gia tăng do biến thể Delta gây ra. Trong  24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 726 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số  5.733.218 ca mắc COVID-19.

Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, gần 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vắc-xin COVID-19 do số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này từ cuối tuần này trở đi.

Ông cho biết biến thể Delta hiện chiếm gần 50% trong số các ca mắc mới. Ông nêu rõ làn sóng dịch bệnh thứ 4 có thể xuất hiện ở Pháp sớm nhất là vào cuối tháng này, đồng thời kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Số ca nhiễm mới tại Pháp đã giảm xuống mức trung bình 1.800 ca/ngày trong 7 ngày vào cuối tháng 6 so với mức hơn 42.000 ca nhiễm/ngày vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, kể từ đó, xu hướng này đã đảo chiều và số ca nhiễm mới mỗi ngày hiện nay tăng trở lại trên 4.000 ca/ngày.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng cấp cao sẽ họp vào ngày 12/7 tới để thảo luận về nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4. Chính phủ Pháp thông báo đang cân nhắc mọi kịch bản có thể xảy ra.

Tại Indonesia, trong 24 giờ qua, đây là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của Indonesia còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ).

Trong ngày 9/7, Indonesia cũng ghi nhận thêm 38.124 ca nhiễm và 871 ca tử vong do COVID-19. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cùng ngày cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại một số khu vực bên ngoài đảo Java và Bali nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Hartarto thông báo những biện pháp hạn chế khẩn cấp được áp dụng tại 15 thành phố thuộc Sumatra, Kalimantan và Papua, sẽ tương tự như những biện pháp đang được áp đặt tại hai đảo Java và Bali.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19, trong đó ưu tiên tiêm mũi vắc-xin thứ 2 cho nhân viên y tế. Bộ Y tế Indonesia cho biết trong tuần này, Indonesia sẽ tiếp nhận thêm các liều vắc-xin của hãng Moderna, và vắc-xin này sẽ được dùng để tiêm nhắc lại.

Liên quan đến vấn đề vắc-xin, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ 3 loại vắc-xin phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất. Dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm 2 mũi đầu tiên.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những người dân đã tiêm đủ liều chưa cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm hiện tại. Thông báo của hai cơ quan trên nhấn mạnh nhà chức trách đã chuẩn bị cung ứng mũi tiêm bổ sung khi có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: