Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 8/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 518.532 ca mắc COVID-19 mới và 8.941 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 216.225.520 ca, trong đó có khoảng 4.391.445 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 8/9, thế giới có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 41.316.328 ca mắc và 670.624 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 441.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 584.628 ca tử vong.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch

Theo đó, Nhật Bản tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30/9. Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12/9.

Tại Hàn Quốc, để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Tết Trung Thu, Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10.

Tại Ấn Độ, chính quyền các bang sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch, đồng thời cảnh báo thành phố Mumbai (thủ phủ tài chính của nước này) đang có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới. Cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới hiện đang được giới khoa học theo dõi sát sao, các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ  kêu gọi các bác sĩ cần bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19 gồm giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da đối với các trường hợp nghi nhiễm, qua đó nhanh chóng xác định đúng các đối tượng nghi mắc COVID-19 ngay cả khi họ không có triệu chứng phổ biến như ho, sốt, khó thở.

Quan chức WHO: COVID-19 sẽ luôn tồn tại

Trong bối cảnh virus corona vẫn tiếp tục biến đổi, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tếThế giới (WHO) Mike Ryan cho hay rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus corona như những tuyên bố lâu nay. Theo Tiến sĩ Ryan, virus corona sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

EMA sẽ bổ sung khuyến cáo về các phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin

Trong thông báo mới nhất liên quan đến phát triển vắc-xin, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ bổ sung các khuyến cáo về phản ứng phụ mà người tiêm vắc-xin của hãng AstraZeneca có thể gặp phải như đau chân, cánh tay hay xuất hiện các triệu chứng như cúm, trong khi người tiêm vắc-xin của hãng Johnson&Johnson có thể bị buồn nôn, tiêu chảy.

Úc ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền SHTT đối với vắc-xin COVID-19

Ngày 8/9, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết nước này sẽ ủng hộ nỗ lực của quốc tế thúc đẩy việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ  (SHTT) đối với vắc-xin COVID-19.

Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Tehan nói rằng Chính phủ Úc ủng hộ việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại đối với vắc-xin COVID-19 và sẽ làm tất cả để thúc đẩy mở rộng sản xuất vắc-xin trên toàn cầu.

Ấn Độ và Nam Phi là hai quốc gia đi đầu trong chiến dịch kêu gọi thay đổi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình dễ dàng sản xuất và bán với giá rẻ hơn các loại vắc-xin COVID-19 do các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia bào chế như vắc-xin của hãng Pfizer. Đầu năm nay, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch trên và cho rằng cần có “các biện pháp đặc biệt” để tăng cường sản xuất vắc-xin trên toàn cầu nhằm chống lại sự lây lan của virus corona.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: