Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 451.014 ca mắc COVID-19 mới và 4.636 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 255.503.047 ca, trong đó có khoảng 4.970.079 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: FOTOGRIN/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 54.000 ca), trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với khoảng 1.100 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 13/12, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Anh xác nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron tại nước này. Ông cũng thừa nhận thực tế biến thể Omicron đang làm gia tăng số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Anh.

Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi tất cả người trưởng thành đi tiêm mũi bổ sung để bảo vệ bản thân. Anh đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho toàn bộ người trưởng thành ở nước này trong tháng 12 này. Anh cũng đã nâng cảnh báo COVID-19 hiện tại từ mức 3 lên mức 4 do số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này đang tăng nhanh chóng.

Theo các quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, gồm Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, quyết định nâng mức độ đánh giá nguy cơ y tế công cộng gồm 5 cấp được đưa ra trên cơ sở khuyến cáo của Cơ quan an ninh y tế Anh, trong bối cảnh quốc gia vừa ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng 65% so với một ngày trước đó. Mức độ 4 đồng nghĩa với việc “tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế”.

WHO cảnh báo Omicron gây nguy cơ cao trên toàn cầu

Cho đến nay, biến thế Omicron đã được ghi nhận tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, do đó biến thể này đặt ra nguy cơ rất cao trên phạm vi toàn cầu khi có một số bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng lẩn tránh kháng thể do vắc-xin tạo ra trong khi giới chuyên gia chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về độc lực của nó.

Các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên, qua đó cảnh báo tái khẳng định nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron vẫn rất cao.

Theo WHO, mặc dù các nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít độc lực hơn biến thể Delta, hiện là biến thể thống trị toàn cầu, và tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể này ở châu Âu đều là thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng độc lực của Omicron vẫn là vấn đề đòi hỏi thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

WHO nhấn mạnh ngay cả nếu độc lực của biến thể Omicron thấp hơn độc lực của biến thể Delta, dự kiến số người nhập viện sẽ tăng do số ca nhiễm bệnh tăng có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn tới nhiều ca tử vong hơn. Dự kiến trong những tuần tới, WHO sẽ công bố các báo cáo mới về biến thể này.

Hàn Quốc tiêm mũi bổ sung cho quân nhân

Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm mũi bổ sung cho quân nhân nước này trong bối cảnh gia tăng nhiều quan ngại về nguy cơ lây lan biến thể Omicron.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong khuôn khổ chương trình trên, quân đội nước này đặt mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 400.000 quân nhân và nhân viên dân sự từ nay đến ngày 14/1/2022.

Động thái trên diễn ra sớm hơn kế hoạch ban đầu khoảng hai tuần trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm vắc-xin đầy đủ. Vào tuần này, sẽ có 41 trung tâm tiêm chủng thực hiện tiêm các mũi bổ sung trong khuôn khổ chương trình trên. Sau đó, vào tuần tới, sẽ có tổng cộng 91 trung tâm tiêm chủng tham gia chiến dịch này.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: