Tộc người Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh hôm Chủ nhật (24/9) đã bắt đầu di tản hàng loạt bằng ôtô hướng đến đất nước Armeania sau khi Azerbaijan đánh bại các chiến binh ly khai tại khu vực, kết thúc cuộc xung đột kéo dài suốt ba thập kỷ qua.

Nagorno Karabakh
Người tị nạn đang đứng đợi để được đăng ký tị nạn tại một trung tâm của Bộ Ngoại giao Armenia, gần thị trấn biên giới Kornidzor, vào ngày 24 tháng 9 năm 2023. (Nguồn ảnh: ALAIN JOCARD/AFP via Getty Images)

Lãnh đạo khu vực Nagorno-Karabakh nói với hãng tin Reuters rằng 120.000 người Armernia không muốn sống tại vùng tranh chấp gần như đã thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của Azerbaijan vì lo sợ bị bức hại và thanh trừng sắc tộc.

Theo phóng viên của Reuters có mặt tại thủ phủ của Karabakh mà Armenia gọi là Stepanakert và Azerbaijan gọi là Khankendi cho biết ôtô chở dân Armenia đã bắt đầu đi vào vành đai Lachin hướng tới biên giới Armenia.

Một tuyên bố của chính phủ Armenia cho biết tính đến 10 giờ tối Chủ nhật (24/9, giờ địa phương) 1.050 người đã vượt biên từ Nagorno-Karabkah vào Armenia.

Những bức ảnh do Reuters chụp được cho thấy hàng chục xe ôtô đang rời khỏi thủ phủ của Karabkah hướng tới các cung đường quanh co miền núi của vành đai Lachin.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm thứ Sáu (22/9) nói rằng nước này đã chuẩn bị không gian đủ cho ít nhất 40.000 người cư trú tạm thời.

Trong khi đó, Azerbaijan cho biết người Armenia có thể rời khỏi Nagorno-Karabkah nếu họ muốn. Người Azerbaijan đa số theo Hồi giáo, trong khi người Armenia chủ yếu là tín đồ Thiên chúa giáo.

Azerbaijan nói họ sẽ đảm bảo quyền của người Armenia khi tích hợp khu vực vào quốc gia Hồi giáo, nhưng người Armenia cho biết họ sợ bị đàn áp và thanh trừng sắc tộc. Azerbaijan đã bác bỏ các lo ngại đó.

99,99% muốn rời khỏi vùng đất lịch sử này”, ông David Babayan nói với Reuters. Ông là cố vấn của ông Samvel Shahramanyan – chủ tịch của nước Cộng hòa Artsakh tự xưng tại khu vực Nagorno-Karabkah.

Số phận của những người dân khốn khó của chúng tôi sẽ được lịch sử ghi nhận là nỗi ô nhục, đáng xấu hổ cho người dân Armenia và toàn thế giới văn minh. Những người chịu trách nhiệm về số phận của chúng tôi một ngày nào đó sẽ phải trả lời trước Chúa về những tội lỗi của họ”, ông Babayan nói.

Các nhà lãnh đạo người Armenia tại Karabakh nói rằng tất cả những người bị mất nhà cửa do hoạt động quân sự của Azerbaijani và muốn rời đi sẽ được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hộ tống sang Armenia.

Các phóng viên Reuters có mặt ở khu vực gần làng Kornidzor trên biên giới Armenia đã nhìn thấy một số xe ôtô chở đầy người đi vào Armenia. Giới chức Armenia cho biết 377 người tị nạn đã đến được quốc gia Thiên chúa giáo này vào tối 24/9.

Nagorno-Karabkah đã bất ổn suốt ba thập kỷ qua

Nagorno-Karabakh nằm ở khu vực mà trong nhiều thế kỷ bị đặt dưới sự thống trị của người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga, người Ottoman và Liên Xô. Cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền khu vực này sau khi Đế chế Nga sụp đổ vào năm 1917. Trong thời kỳ Liên Xô, khu vực này được chính quyền cộng sản chỉ định là khu vực tự trị nằm trong Azerbaijan.

Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, người Armenia sống tại Nagorno-Karabakh đã hất bỏ sự kiểm soát trên danh nghĩa của Azerbaijan và đã kiểm soát khu vực này sau một cuộc chiến tranh được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ nhất. Từ năm 1988 đến năm 1994, có khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Azerbaijan, đã phải di tản đi nơi khác.

Năm 2020, sau nhiều thập kỷ xung đột nhỏ dai dẳng, Azerbaijan đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày, được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ hai. Cuộc chiến này đã kết thúc sau khi các bên ký thỏa thuận hòa bình dưới sự trung gian hòa giải của Nga.

Tuần trước, Azerbaijan đã tiến hành hoạt động quân sự kéo dài 24 giờ mà họ gọi là chiến dịch “chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh. Các chiến binh người Armenia tại đây đã phải buông súng đầu hàng do quân Azerbaijan áp đảo về số lượng.

Nguy cơ xung đột lan rộng?

Đối với Azerbaijan, việc người Armenia di tản khỏi Karabakh là một chiến thắng lớn sau nhiều năm xung đột sắc tộc.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng cú đấm thép của ông đã chôn vùi vào lịch sử ý tưởng về một Karabakh với sắc dân Armenian độc lập và khu vực này sẽ trở thành “thiên đường” khi tích hợp vào Azerbaijan.

Một cuộc di tản hàng loạt của người Armenia khỏi Nagorno-Karabakh có thể sẽ thay đổi cán cân quyền lực mong manh tại khu vực Nam Caucasus. Đây là khu vực nhiều sắc tộc sinh sống và có các đường ống dẫn dầu và khí đốt chồng chéo. Cả Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đang ganh đua nhau để giành ảnh hưởng tại khu vực này.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh cho thấy đất nước ông không thể phụ thuộc vào Nga để bảo vệ lợi ích.

Trong khi đó, nhiều người dân Armenia đã đổ lỗi cho ông Pashinyan về thất bại tại Nagorno-Karabakh. Tuần trước, hàng nghìn người dân Armenia đã tràn xuống các tuyến phố ở thủ đô Yerevan để yêu cầu ông Pashinyan từ chức.

Ông Pashinyan nói rằng những lực lượng không rõ danh tính đang tìm cách tiến hành đảo chính lật đổ ông. Ông cũng cáo buộc truyền thông Nga đang phát động chiến tranh thông tin chống lại ông.

Ông Pashinyan hôm 24/9 thậm chí đổ lỗi cho Nga đã không hỗ trợ đủ mạnh cho Armenia và nước này sẽ đánh giá lại mối quan hệ liên minh với Moscow.

Nga có một căn cứ quân sự đặt tại Armenia và tự coi họ là ô bảo vệ an ninh chủ yếu trong khu vực này. Nga cũng đang đồn trú 2.000 lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nagorno-Karabakh từ năm 2020.

Các quan chức Nga nói rằng ông Pashinyan phải chịu trách nhiệm vì chính ông đã xử lý sai cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dự kiến sẽ gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vào thứ Hai (25/9) tại Nakhchivan, một dải lãnh thổ của Azerbaijan nằm giữa Armenia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan trong cuộc xung đột năm 2020 đã hỗ trợ vũ khí cho Azerbaijan. Tuần trước, ông nói rằng ông ủng hộ mục tiêu của hoạt động quân sự mới nhất của Azerbaijan nhưng không đóng vai trò gì trong hoạt động này.

Trong tháng Chín này, Armenia là chủ nhà của một cuộc diễn tập quân sự chung với Mỹ. Washington tuần trước đã lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh.

Hải Đăng (t/h)