Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Hai (3/7) tuyên bố rằng những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột vũ trang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine đã bị “những kẻ vận động chiến tranh cản trở và phá hoại ngầm”.

Ông Erdogan đưa ra tuyên bố nêu trên trong khi trao đổi với báo giới tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ sau một buổi họp nội các.

Ông Erdgogan cho hay: “Những nỗ lực ngoại giao được tiến hành với tiến trình Istanbul và diễn ra với những trao đổi bắt buộc [thực thi] không may mắn đã bị những kẻ vận động chiến tranh cản trở và phá hoại ngầm”.

Ông Erdgogan cho biết chính bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhắm mục tiêu vì nói về “những kẻ vận động chiến tranh”. Tuy nhiên ông không nêu tên bất kỳ thủ phạm nào.

Ông Erdgogan giải thích rằng nếu những nỗ lực hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công từ giai đoạn đầu cuộc chiến tranh, thì có lẽ đã tránh được hầu hết những sự tàn phá tại Ukraine.

Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine thời gian ngắn sau khi quân đội Nga tràn sang biên giới Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Các cuộc đàm phán này cuối cũng đã dẫn đến một thỏa thuận hòa bình sơ bộ và đã được các bên ký tắt tại Istanbul vào tháng 4/2022.

Theo bài viết của cây bút David Sacks trên Twitter, “có bằng chứng mới cho thấy một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được ngay sau khi bắt đầu chiến tranh. Tại một cuộc gặp gần đây với phái đoàn châu Phi, Tổng thống Nga Putin đã cho xem dự thảo bản hiệp ước được ký bởi phái đoàn Ukraine tại Istanbul vào tháng 4/2022. Thỏa thuận này quy định rằng Nga rút khỏi và khôi phục giới tuyến như trước chiến tranh nếu Ukraine đồng ý không gia nhập NATO“.

Ukraine sau đó nói rằng thỏa thuận hòa bình sơ bộ ký tắt với Nga tại Istanbul đã sụp đổ.

Phía Nga cáo buộc rằng Ukraine đã không giữ lời hứa sau khi Moscow rút quân khỏi vùng lân cận Kyiv ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Các đại diện của Nga và Ukraine đã không tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận các viễn cảnh hòa bình từ sau khi thỏa thuận sơ bộ đó không được thực thi.

Điện Kremlin lâu nay vẫn nói rằng họ sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các nỗ lực ngoại giao, đồng thời nhiều lần đổ lỗi cho tập thể phương Tây đã đẩy Kyiv vào một cuộc chiến tranh “đến người Ukraine cuối cùng”. Tuy nhiên, phía Nga chưa bao giờ tỏ ý sẽ trao trả lại cho Ukraine những khu vực mà họ đơn phương sáp nhập bất chấp sự phản đối của Kyiv và cộng đồng quốc tế.

Về phần Ukraine, Tổng thống Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó then chốt là Ukraine phải lấy lại được lãnh thổ được quốc tế công nhận từ năm 1991.

Hải Đăng (T/h)