Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu (17/11) cho biết những nỗ lực của phương Tây nhằm “huỷ hoại” Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và văn hóa đã thất bại và chắc chắn sẽ luôn thất bại. 

GettyImages 1787963940 scaled
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong phiên họp toàn thể của Diễn đàn Văn hóa Quốc tế lần thứ 9, ngày 17 tháng 11 năm 2023, tại Saint Petersburg, Nga. Putin (Ảnh: Getty Images)

Phát biểu tại Diễn đàn Văn hóa Quốc tế tại Thành phố Saint Petersburg, nhà lãnh đạo Nga cáo buộc tập thể phương Tây đang tìm cách “phá huỷ” mọi thứ không phù hợp với “lịch sử bị bóp méo” của mình.

Ông Putin tuyên bố: “Toàn bộ những tầng lớp lịch sử, nghệ thuật của Tây Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh – đang bị im lặng, như thể chưa từng tồn tại, và gần đây họ đang cố gắng hủy bỏ nền văn hóa của chúng tôi nói chung”.

“Tôi nói họ ‘cố gắng’ vì chúng ta hiểu rằng điều này theo định nghĩa là không thể”, Tổng thống nói. “Tuy nhiên, họ vẫn đang cố gắng xóa bỏ nền văn hóa dựa trên tự do đích thực, lòng thương xót, tình yêu đồng loại và tâm linh. Bản thân chính sách tẩy chay Nga đã là phản văn hóa, tân thực dân và phân biệt chủng tộc”.

Ông Putin lập luận rằng trên thực tế, nỗ lực phá bỏ văn hóa Nga và phá hủy nền kinh tế của nước này bằng “cái gọi là lệnh trừng phạt” đã không diễn ra như phương Tây dự định.

“Một trong nhiều ví dụ về điều này là sự quan tâm rất lớn đến Cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky. Khán giả trực tuyến của cuộc thi đã vượt quá 50 triệu người. Trong thế giới hiện đại, không thể xóa bỏ những điều như vậy, đơn giản là không thể. Thật kỳ lạ là những người cố gắng làm điều này lại không hiểu được nó. Trong số 50 triệu người này, hơn một nửa là người châu Âu không muốn ai quyết định thay họ nghe nhạc gì, xem gì và đọc gì”, ông Putin nói. 

Theo ông Putin, một số lý do chính dẫn đến căng thẳng hiện nay trên thế giới là “những tuyên bố của một số thế lực về sự độc quyền – bao gồm cả sự độc quyền về văn hóa – thái độ coi thường các phong tục, giá trị tinh thần khác, mong muốn thống nhất mọi người và mọi thứ theo khuôn mẫu riêng của họ mà họ cho là tốt nhất và phổ quát nhất”.

Ông mô tả điều này là “toàn cầu hóa thô tục”“sự chinh phục văn hóa”, dẫn đến sự đàn áp và làm nghèo nàn các nền văn hóa, đồng thời “làm tăng khả năng xung đột lên gấp nhiều lần”.

Anh Nguyễn, theo RT