Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (15/8) đã trao đổi với lãnh đạo tạm quyền Mali Assimi Goita về tình hình khủng hoảng chính trị tại Niger, bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính tại quốc gia Tây Phi vốn đã đang làm bùng phát các mối đe dọa can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Theo RT, cả văn phòng của ông Putin và ông Goita hôm 15/8 đều phát đi các tuyên bố riêng rẽ khẳng định rằng trong cuộc trao đổi vừa qua, ông Putin đã kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Niger.

Điện Kremlin tuyên bố: “Các bên đặc biệt tập trung vào tình hình hiện tại ở khu vực Sahara-Sahel và đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình ở Cộng hòa Niger duy nhất thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị hòa giải”.

Tổng thống dân cử Niger Mohamed Bazoum cùng gia đình ông đã đang bị quản thúc tại nơi cư trú chính thức của tổng thống kể từ sau khi bị quân đội truất phế vào ngày 26/7.

Các nhà lãnh đạo của hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã lên tiếng ủng hộ chính phủ quân đội ở Niger và cảnh báo không được can thiệp nước ngoài để phục chức cho ông Bazoum. Cũng giống như Niger, Mali và Burkina Faso đều là cựu thuộc địa của Pháp và tại đây đang do chính quyền quân sự cầm quyền sau các cuộc đảo chính.

Trong khi đó, các lãnh đạo của khối Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) 15 thành viên đã tập hợp một lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu để có thể sử dụng vào việc chống lại chính quyền quân sự ở Niger. ECOWAS cho biết giới cầm quyền quân sự ở Niger đang từ chối các nỗ lực ngoại giao để thả tự do và phục chức cho tổng thống vừa bị truất phế Bazoum.

Pháp và Mỹ đều đã đình chỉ các chương trình viện trợ quân sự cho Niger và bày tỏ ủng hộ quyết định của ECOWAS.

Nga nhiều lần tuyên bố phản đối nước ngoài can dự vào công việc nội bộ của Niger. Bộ Ngoại giao Nga tuần trước phát đi cảnh báo rằng hành động can thiệp như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại khu vực Sahel.

Theo tờ Le Monde của Pháp, Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) của Liên minh châu Phi hôm thứ Tư (16/8) đã ra quyết định phản đối triển khai quân đội nước ngoài tới Niger. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của PSC ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hôm thứ Hai (14/8).

Đầu tháng này, Thượng viện Nigeria cũng đã từ chối phê chuẩn cho Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu điều động binh lính tới Niger để đối đầu với chính quyền quân sự ở đây.

Thượng viện Nigeria đã kêu gọi ông Tinubu và các lãnh đạo khác của khu vực Tây Phi hãy tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger.

Hải Đăng