Thứ Sáu (22/9), Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel một lần nữa đăng bài trên nền tảng xã hội X (trước đây là Twitter) để chế giễu Bắc Kinh. Ông cho biết, một mặt chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản vì lo ngại vụ xả nước thải hạt nhân, một mặt lại cho các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

shutterstock 1390547912
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Nhật Bản. (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)

Ông Rahm Emanuel viết: “Như người ta vẫn nói, một bức tranh đáng giá ngàn lời nói. Dù Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận đối với hải sản Nhật Bản, nhưng đến ngày 15/9, các tàu Trung Quốc vẫn đánh bắt ở vùng biển tương tự ngoài khơi Nhật Bản.”

Kèm theo bài đăng là 4 bức ảnh cho thấy các tàu đánh cá Trung Quốc đang tham gia hoạt động đánh bắt cá.

Ông Emanuel đã vạch trần thói đạo đức giả của chính quyền Trung Quốc, một mặt cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra đại dương; mặt khác, lại cho phép tàu đánh cá của mình đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.

Trong bài phát biểu tại Tokyo vào ngày 22/9, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Emanuel cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc kinh tế đối với các nước như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Lithuania (Litva). Ông cho rằng các quốc gia này đều trở thành mục tiêu trả đũa kinh tế của Trung Quốc vì các chính sách liên quan.

Sau dòng tweet, ông Emanuel đã có bài phát biểu tại Tokyo. Ông nói, sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc là “công cụ” dai dẳng và có hại nhất trong “hộp công cụ” của họ.

Ông nói thêm, biểu hiện mới nhất của phương diện này là Trung Quốc quyết định cấm tất cả hải sản từ Nhật Bản vào tháng trước, sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương.

Đại sứ Emanuel là một nhà ngoại giao có tài ăn nói sắc sảo. Ông thường xuyên bình luận về chính sách ngoại giao chiến binh sói của Trung Quốc, và các vụ bê bối chính trị trong nước thông qua mạng xã hội.

Dòng tweet của ông Emanuel theo sau một báo cáo của NBC, rằng các trợ lý của Tổng thống Biden đã yêu cầu ông Emanuel ngừng đăng những thông điệp trên mạng xã hội chế nhạo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Báo cáo cho biết gần đây, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) đã nói với nhân viên của Emanuel, rằng những lời bình luận của ông có thể làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hàn gắn quan hệ Mỹ-Trung, gồm cả các cuộc gặp có thể xảy ra giữa hai ông Biden và Tập Cận Bình vào mùa thu này.

Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Emanuel đã bác bỏ thông tin này, và nói rằng điều này “hoàn toàn sai sự thật”.

Các dòng tweet của Emanuel hôm thứ Sáu (22/9) cho thấy, ông không có kế hoạch thay đổi phong cách bình luận của mình. Sau bài phát biểu, ông Emanuel từ chối cho biết liệu Nhà Trắng có yêu cầu ông ngừng đăng bài trên mạng xã hội hay không. Thay vào đó, ông đề cập với phóng viên về những bình luận của Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell của Nhà Trắng.

Ông Campbell mô tả với NBC rằng Đại sứ Emanuel là một “siêu sao” và là một đại diện “xuất sắc” của Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đáp lại lời chỉ trích của ông Emanuel trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (22/9), rằng: “Nhật Bản đã cưỡng bức xả nước bị ô nhiễm hạt nhân ra biển. Chưa có tiền lệ kể từ khi nhân loại sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.” Bà kêu gọi Hoa Kỳ “ngừng ủng hộ và dung túng cho hành vi vô trách nhiệm của Nhật Bản”.

Hiện tại, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán để gặp ông Tập. Có suy đoán rằng họ có thể gặp nhau trong diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tháng 11.

Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan, đã tổ chức một cuộc gặp kéo dài 2 ngày với ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, để thảo luận về các chủ đề có thể đàm phán khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết, vẫn chưa rõ liệu ông Tập có tham dự hay không. Gần đây, việc ông Tập Cận Bình vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ rõ ràng là điều hiếm xảy ra, và đã gây ra đồn đoán trong giới phân tích.

Vì ông Tập Cận Bình chưa bao giờ bỏ lỡ một cuộc họp G20 nào kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.

Dòng tweet của Emanuel theo sau 2 bài đăng gây tranh cãi về sự biến mất của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Ngày 8/9, ông Emanuel đăng: “Đội hình nội các của Chủ tịch Tập bây giờ giống như cuốn tiểu thuyết ‘And Then There Were None’ (Và rồi chẳng còn ai) của Agatha Christie. Đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương mất tích, sau đó là chỉ huy Lực lượng Tên lửa mất tích, và bây giờ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng 2 tuần. Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua thất nghiệp này: Giới trẻ Trung Quốc hay nội các của ông Tập?”

Ngày 15/9, ông Emmanuel lại viết: “Như Shakespeare đã viết trong ‘Hamlet’, ‘Có gì đó đang mục nát ở Đan Mạch’. Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không được nhìn thấy hay nghe được tin tức gì trong 3 tuần. Thứ hai, ông ấy vắng mặt trong chuyến đi tới Việt Nam.

Bây giờ, ông ấy lại vắng mặt trong cuộc gặp theo lịch trình với Tư lệnh Hải quân Singapore. Bởi vì ông ấy đang bị quản thúc tại gia??? Có lẽ ở đó sẽ đông người hơn. Tin tốt là tôi nghe nói ông ấy đã trả hết khoản vay thế chấp từ nhà phát triển bất động sản Country Garden.”

Ông Emanuel cũng từng chỉ trích gay gắt Chủ tịch Tập Cận Bình trong một dòng tweet, gọi ông ấy là “một nhà quản lý kinh tế kém năng lực, một thất bại trong chính sách đối ngoại và là một Machiavellian vụng về”. Ông cũng nói rằng Chính phủ dưới thời Tập Cận Bình “thậm chí còn hỗn loạn hơn”.

Bình Minh (t/h)