Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn từ cơ quan không gian nước này cho biết vệ tinh không gian Triều Tiên được phóng vào rạng sáng thứ Năm (24/8) đã không thể tiến vào quỹ đạo do lỗi kỹ thuật.

Rocket bay ở giai đoạn một và giai đoạn hai là bình thường, nhưng vụ phóng đã thất bại vì một lỗi trong hệ thống nổ khẩn cấp ở giai đoạn bay thứ ba”, KCNA nói về vụ phóng vệ tinh rạng sáng 24/8.

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên này đã khiến Hàn Quốc phải phát cảnh báo khi nó xảy ra vào thời điểm Seoul và Washington đang tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Bộ Tham mưu Quân đội Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên đã phóng vệ tinh vào khoảng 3:50 rạng sáng ngày thứ Năm (24/8, giờ địa phương) từ bãi phóng Tongchang-ri trên bờ biển phía tây của Triều Tiên.

JCS cho biết quân đội Hàn Quốc “vẫn đang duy trì tư thế sẵn sàng hoàn toàn” trong điều kiện “phối hợp chặt chẽ với Mỹ”.

Vụ phóng cũng đã thúc đẩy cảnh báo khẩn cấp tại Nhật Bản trước 4:00 sáng ngày 24/8 (giờ địa phương). Hệ thống cảnh báo phát thanh của Nhật Bản đã yêu cầu cư dân ở tỉnh Okinawa miền nam phải tìm nơi trú ẩn.

Khoảng 20 phút sau cảnh báo đó, chính phủ Nhật Bản đã phát đi thông báo cho biết tên lửa Triều Tiên đã bay qua và cảnh báo khẩn cấp được gỡ bỏ.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phát biểu trong buổi họp báo được truyền hình trực tiếp nói rằng các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại này là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Chúng tôi sẽ cực lực phản đối Triều Tiên và lên án họ theo các cách thức mạnh mẽ nhất có thể”, ông Hirokazu Matsuno nói.

Ông Hirokazu Matsuno cũng cho biết nhiều bộ phận của tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương.

Nhà Trắng cũng lên án vụ phóng của Triều Tiên là vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong khi, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế “hành động đe dọa thêm nữa” và kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia vào ngoại giao nghiêm túc.

Triều Tiên thường thử tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mà không thông báo với Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, lần này, Bình Nhưỡng đã báo cho Tokyo rằng họ có kế hoạch phóng phóng vệ tinh không gian vào khoảng từ 24/8 đến 31/8 và đã chỉ định trước ba khu vực hàng hải nguy hiểm.

Đây là lần thứ hai Triều Tiên nỗ lực phóng vệ tinh nhân tạo họ đặt tên là Malligyong-1 vào quỹ đạo không gian quanh trái đất. Vụ phóng đầu tiên vào cuối tháng Năm cũng đã không thành công sau khi tên lửa đẩy Chollima-1 bị lỗi ở giai đoạn bay thứ hai. Theo KCNA, cơ quan không gian Triều Tiên nói rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực phóng thêm một vệ tinh không gian nữa vào tháng Mười.

Trong cùng thời gian này, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận “Lá chắn Tự do Ulchi” kéo dài 11 ngày từ thứ Hai (21/8). Bình Nhưỡng lên án cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc quy mô lớn thường niên này là màn tập dượt chiến tranh xâm lược miền Bắc. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cảnh báo rằng cuộc tập trận ở miền Nam đang làm cho “chiến tranh nhiệt hạch” trong khu vực dễ xảy ra hơn.

Tuy nhiên, Seoul và Washington khẳng định rằng cuộc tập trận chung của họ chỉ đơn thuần là tự vệ.

Về mặt lý thuyết, tình trạng chiến tranh giữa Bình nhưỡng một bên và Washington cùng Seoul một bên là vẫn tồn tại, bởi vì thỏa thuận đình chiến 1953 kết thúc chiến tranh Triều Tiên chưa bao giờ được đẩy tiếp tới một hiệp định hòa bình chính thức. Mỹ đã đang đồn trú khoảng 30.000 binh lính tại Hàn Quốc.

Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ âm mưu “thay đổi chế độ” tại Bình Nhưỡng và không tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình bằng thiện chí.

Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên General Kang-sun đầu tháng Tám này đã cảnh báo rằng: Câu hỏi đặt ra không phải là liệu một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có bùng phát hay không, mà chỉ là ai sẽ kích hoạt nó và khi nào.