Triều Tiên đã phóng vệ tinh giám sát quân sự vào quỹ đạo vào tối thứ Ba (21/11, giờ địa phương), theo truyền thông nhà nước tại Bình Nhưỡng và quân đội Hàn Quốc. Vụ phóng thành công này đến sau hai lần thất bại hồi giữa năm nay.

Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) sáng thứ Tư (22/11) đã loan báo về vụ phóng vệ tinh do thám thành công vào tối thứ Ba (21/11). KCNA cho biết tên lửa “đẩy chính xác vệ tinh do thám ‘Malligyong-1’ vào quỹ đạo”.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hàn Quốc đã xác nhận vụ phóng của Triều Tiên và tuyên bố rằng vật thể bay di chuyển theo hướng nam qua Nhật Bản.

KCNA dẫn tin từ Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên nói rằng vệ tinh ‘Malligyong-1’ được phóng bằng hệ thống tên lửa đẩy Chollima-1 từ bãi thử vệ tinh Sohae vào lúc 10:42 tối ngày 21/11 và đã bay vào quỹ đạo lúc 10:54 cùng ngày.

KCNA cũng nói lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp quan sát vụ phóng này.

Các quan chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết họ không thể ngay lập tức xác minh liệu tên lửa của Triều Tiên có vào được quỹ đạo không gian hay không. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh nói rằng quân đội Mỹ vẫn đang đánh giá xem liệu vụ phóng của Triều Tiên có thành công hay không.

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã kích hoạt cảnh báo tên lửa đạn đạo từ Nhật bản, và người dân tại đảo Okinawa đã được kêu gọi tìm nơi trú ẩn an toàn. Chính phủ Nhật Bản cho biết sau đó họ đã gỡ bỏ cảnh báo tên lửa khi vật thể từ Triều Tiên bay qua Okinawa hướng tới Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong bài phát biểu với báo giới, đã lặp lại tuyên bố rằng vụ phóng của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là mối đe dọa tới an toàn của công dân Nhật Bản.

Chúng tôi đã đang gửi bản kháng nghị nghiêm khắc và lên án Triều Tiên một cách mạnh mẽ nhất”, ông Kishida nói.

Trước đó, vào hôm thứ Ba (21/11), ông Kishida cho biết các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản, gồm khu trục hạm Aegis và tên lửa phòng không PAC-3, đã sẵn sàng cho mọi “tình huống bất ngờ” xảy ra.

Theo Reuters, Cảnh sát biển Nhật Bản tối 21/11 đã không quyết định bắn hạ tên lửa được phóng từ Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa do thám lần này của Triều Tiên đến sau hai nỗ lực tương tự không thành công hồi tháng Năm và tháng Tám. Trong cả hai lần đó, tên lửa đẩy đều rơi xuống biển không lâu sau khi khai hỏa.

Sau lần phóng hồi tháng Tám, Triều Tiên đã loan báo với Nhật Bản rằng họ sẽ thử phóng lại vào khoảng thời gian giữa tháng Mười Một đến đầu tháng Mười Hai. Các lần phóng vệ tinh do thám này, Triều Tiên đều có động thái báo trước cho Nhật Bản.

Khả năng hoạt động của vệ tinh “Malligyong-1” vẫn là dấu hỏi với cộng đồng quốc tế, không rõ liệu nó có thể truyền thông tin về Trái đất hay không. Triều Tiên trước đây đã từng phóng thành công hai vệ tinh, lần gần nhất là năm 2016. Bình Nhưỡng cho biết cả hai vệ tinh họ đã phóng thành công là một phần của chương trình không gian vũ trụ dân sự.

Trong một tuyên bố loan báo trên KCNA hôm 21/11, cơ quan hàng không vũ trụ Triều Tiên cho biết vụ phóng mới nhất là đáp trả “Mỹ và chư hầu quân sự hóa không gian vũ trụ”. Bình Nhưỡng lập luận rằng do Nhật Bản và Hàn Quốc đều có kế hoạch phóng tên lửa trong vài tháng tới, nên Triều Tiên “có quyền chủ quyền” để đáp trả.

Theo Yonhap News, Hàn Quốc dự kiến sẽ phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào không gian trong tuần tới và sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 do công ty Space X của tỷ phú Elon Musk chế tạo và vận hành.

Hải Đăng