Bắc Kinh cho biết đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc điều tra thêm về nguồn gốc của COVID-19 là “không phù hợp” với vai trò của tổ chức này và trọng tâm của giai đoạn điều tra tiếp theo nên rời khỏi Trung Quốc.

W020210706698899125012
Triệu Lập Kiên (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Kế hoạch của WHO được công bố vào thứ Sáu, một ngày sau khi Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục Bắc Kinh hợp tác với giai đoạn hai của nghiên cứu và phải minh bạch hơn, nói rằng các nhà khoa học vẫn thiếu đủ dữ liệu thô về các ca nhiễm trong những ngày đầu bùng dịch. 

Bắc Kinh trả lời rằng đề xuất này đang được các chuyên gia Trung Quốc xem xét. Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết giai đoạn điều tra tiếp theo sẽ do các quốc gia thành viên của WHO dẫn đầu và được thống nhất thông qua tham vấn. Ông cũng nói việc điều tra các ca nhiễm sớm cần được mở rộng trên toàn thế giới.

“Đề xuất về truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai của Ban thư ký WHO không phù hợp với quan điểm của phía Trung Quốc và của nhiều nước”, ông Triệu cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 19/7.

Ông cũng cho biết cuộc điều tra nên tập trung vào việc truy tìm nguồn gốc động vật và sự lây truyền virus từ động vật sang người.

Vào tháng 3, sau một nhiệm vụ kéo dài 4 tuần tới Vũ Hán, Trung Quốc – nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên – một nhóm chuyên gia do WHO đứng đầu cho biết trong một báo cáo gây tranh cãi rằng virus có khả năng đã được truyền từ dơi sang người qua một vật chủ khác. Họ cũng cho biết giả thuyết virus rò rỉ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Tuy vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác yêu cầu điều tra thêm về nguồn gốc virus, bao gồm cả giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Sáu đã lặp lại lời kêu gọi của ông về một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc của đại dịch, nói rằng “thế giới xứng đáng có câu trả lời”.

Giám đốc WHO Tedros cũng cho biết lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm sẽ cần được điều tra thêm.

Đề xuất của WHO bao gồm năm lĩnh vực điều tra và để ngỏ khả năng điều tra ở cả Trung Quốc và các nơi khác như đã được khuyến nghị trong báo cáo giai đoạn một.

Các lĩnh vực bao gồm nghiên cứu về: con người, động vật và môi trường liên quan đến việc nuôi và buôn bán động vật hoang dã; chợ động vật trong và xung quanh Vũ Hán; các khu vực có dấu hiệu virus lan truyền sớm nhất hoặc nơi các virus liên quan đã được tìm thấy trên động vật; và phân tích và truy tìm gen bổ sung.

Đề xuất cũng kêu gọi “kiểm toán các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu có liên quan đến hoạt động trong khu vực phát hiện các trường hợp lây nhiễm sang người vào tháng 12 năm 2019”.

Hôm 19/7, Triệu Lập Kiên cho biết cuộc điều tra không nên bị chính trị hóa và giai đoạn thứ hai nên được tiến hành dựa trên những phát hiện trong báo cáo tháng 3 của nhóm WHO.

Ông nói: “Chúng tôi cần tiếp tục tìm kiếm các trường hợp lây nhiễm sớm trên toàn cầu và tìm hiểu thêm về vai trò của dây chuyền lạnh và thực phẩm đông lạnh trong việc lây truyền virus.”

“Nghiên cứu nguồn gốc là một vấn đề khoa học và cần được tiến hành bởi các nhà khoa học trên toàn thế giới. Chúng tôi lo ngại về việc chính trị hóa việc truy xuất nguồn gốc của một số quốc gia”, ông Triệu nói. “Chúng tôi hy vọng Tổ chức Y tế Thế giới sẽ trao đổi kỹ lưỡng với các quốc gia thành viên, thu thập rộng rãi ý kiến ​​và đề xuất từ ​​tất cả các bên, và đảm bảo rằng việc soạn thảo đề xuất được công khai và minh bạch.”

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: