Mạo hiểm mất tất cả, hàng chục ngàn người Trung Quốc đã thực hiện cuộc hành trình dài và nguy hiểm qua Mỹ Latinh đến biên giới Mỹ – Mexico. Các nhà bình luận cho rằng điều này cho thấy “Trung Quốc mộng” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phô trương là một cơn ác mộng, đây là “bỏ phiếu bằng chân” đặc sắc kiểu Trung Quốc, và ngày càng có nhiều người Trung Quốc theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”.

GettyImages 1258333884
Ngày 31/5/2023, những người tị nạn đang chờ chính quyền Mỹ thẩm vấn tại biên giới Mỹ – Mexico. (Nguồn ảnh: GUILLERMO ARIAS/AFP qua Getty Images)

Reuters đưa tin, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã bắt giữ hơn 6.500 công dân Trung Quốc tại biên giới Mỹ – Mexico, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Đối với công dân Trung Quốc chạy trốn khỏi nước này, việc đi qua Mỹ Latinh để cuối cùng đến Mỹ là một hành trình dài, tốn kém và nguy hiểm.

Công dân Trung Quốc thường bay đến Ecuador, một trong số ít quốc gia Nam Mỹ mà người Trung Quốc có thể nhập cảnh miễn thị thực, và bắt đầu hành trình dài 2.300 dặm (khoảng hơn 3.700 km) từ đó.

Theo Wall Street Journal, xuất phát từ Ecuador đến biên giới Mỹ – Mexico, những người Trung Quốc giàu có thường trả khoảng 60.000 USD trở lên cho “con đường buôn lậu trực tiếp hơn hoặc an toàn hơn, chẳng hạn như bay đến Mexico, và sau đó thông qua ‘những kẻ đầu nậu’ để hối lộ các quan chức hải quan cho phép người Trung Quốc nhập cảnh bằng giấy thông hành giả.”

Và đối với những công dân Trung Quốc có khả năng tài chính kém hơn, họ thường trả từ 7.000 đến 10.000 đô la để những kẻ buôn lậu đưa họ đến biên giới Mỹ – Mexico thông qua một con đường gián tiếp hơn. Họ phải đi qua một số khu vực nguy hiểm nhất, bao gồm khu rừng nhiệt đới Darien Gap và Đường 101 khét tiếng của Mexico – được mệnh danh là “con đường Tử thần“. Người Trung Quốc thường là nạn nhân của các vụ cướp xe, cướp giật, tấn công tình dục và các tội phạm bạo lực khác.

“Trung Quốc mộng” đã trở thành cơn ác mộng, người Trung Quốc buộc phải “mạo hiểm” vượt biên

Tác giả Helen Raleigh đã có bài viết  trên Fox News vào ngày 10/7 nói rằng những công dân Trung Quốc này bắt đầu cuộc hành trình dài và nguy hiểm đến Mỹ, là vì có những lý do kinh tế và chính trị sâu xa.

Bà cho biết, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông đã hứa với đất nước 1,4 tỷ dân về “Giấc mơ Trung Hoa” – thực hiện thịnh vượng và phục hưng dân tộc, tuy nhiên, người Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra rằng “Giấc mơ Trung Hoa” này là một cơn ác mộng.

Bà phân tích, việc thiếu tự do chính trị và cơ hội kinh tế đã khiến nhiều người Trung Quốc chạy trốn khỏi nước này, tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc đã dẫn đầu làn sóng di dân, nhưng mong muốn rời đi hiện đã lan sang tầng lớp trung lưu và công dân Trung Quốc bình thường. Một trong những thuật ngữ phổ biến nhất trên mạng xã hội Trung Quốc là “zou xian“, có nghĩa là thông qua Mỹ Latinh để nhập cảnh vào Mỹ. Những người Trung Quốc có khả năng kinh tế kém sẽ chọn “zou xian“, tức là “bỏ phiếu bằng chân” đặc sắc kiểu Trung Quốc.

Bà Helen Raleigh bình luận rằng hầu hết người Trung Quốc chấp nhận mất tự do chính trị để đổi lấy sự thịnh vượng kinh tế. Nhưng dưới thời ông Tập Cận Bình, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, một số công ty công nghệ và giới tinh hoa kinh doanh đã bị đàn áp và thị trường bất động sản đang đối mặt với sự sụp đổ.

Hiện nay, ĐCSTQ vẫn đàn áp tàn bạo các dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến. ĐCSTQ cũng đã thiết lập một hệ thống giám sát hàng loạt để kiểm soát suy nghĩ và hành động của người dân Trung Quốc.

Bà Helen Raleigh nói rằng yếu tố cuối cùng áp đảo người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ Trung Quốc, là chính sách “zero-COVID” tàn bạo của ông Tập Cận Bình trong 3 năm qua, đã phá hủy nền kinh tế Trung Quốc và mang đến cho người dân Trung Quốc nỗi đau khôn tả. Sau cuộc biểu tình “Phong trào Giấy trắng” của thanh niên Trung Quốc ở một số thành phố lớn vào cuối năm ngoái, ĐCSTQ bất ngờ hủy bỏ “zero-COVID” mà không có sự chuẩn bị, dẫn đến hỗn loạn sau khi mở cửa trở lại và làm xói mòn một số niềm tin cuối cùng còn sót lại đối với nhà cầm quyền.

Người tị nạn Trung Quốc có phải là cơ hội chính trị của Mỹ không?

Bà Helen Raleigh phân tích rằng sự gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc đã mang đến cho Mỹ cơ hội địa chính trị.

Trong Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã sử dụng chính sách nhập cư của Mỹ để đối xử đặc biệt với những người nhập cư Cuba, và coi đó như một cách để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Những người nhập cư Cuba này không chỉ có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế Mỹ, nhiều người còn trở thành lực lượng chính trị chống cộng thẳng thắn ở Mỹ.

Bà Helen Raleigh nói rằng nếu Chính phủ Mỹ ngày nay có thể học hỏi từ cách tiếp cận của Tổng thống Johnson, và sử dụng chính sách nhập cư hỗ trợ người tị nạn chính trị Cuba để hỗ trợ người nhập cư Trung Quốc, thì sẽ là điều phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Bà nói, nếu Mỹ mở rộng nhập cư hợp pháp để giúp nhiều người mạo hiểm mọi thứ rời khỏi Trung Quốc để đến Mỹ, thì “đất nước chúng ta sẽ có thêm nhiều công dân yêu nước và làm việc hiệu quả hơn, cũng như một chiến thắng địa chính trị lớn”.

“Không có gì khiến ĐCSTQ xấu hổ hơn là hình ảnh những người Mỹ gốc Hoa vẫy cờ Mỹ và cam kết bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Hình ảnh tương tự cũng sẽ gửi đến những người cánh tả Mỹ một lời phản bác mạnh mẽ: “Giấc mơ Mỹ” vẫn tồn tại và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người yêu tự do,” bà nói.