Suy thoái kinh tế và khó khăn về việc làm ở Trung Quốc Đại Lục đã khiến nhiều thanh niên phải tới Châu Phi kiếm sống. Đối với những người trẻ tuổi thất vọng về thị trường việc làm Trung Quốc, Châu Phi vừa là một đường lui, vừa là một lối thoát.

GettyImages 1244777505
Ngày 14/11/2022, nhà máy và nhà kho của một công ty nhập khẩu Trung Quốc ở bang Ogun, tây nam Nigeria, thuộc quốc gia Tây Phi đã bị lửa thiêu rụi. (Ảnh: Pius Utomi Ekpei/AFP qua Getty Images)

Người Trung Quốc ở Châu Phi từ rất lâu và đã dần vượt qua nỗi sợ nghèo đói, chiến tranh và an ninh xã hội trên mảnh đất này.

Tôn Viện (Irene Yuan Sun), tác giả của cuốn sách “Công xưởng thế giới tiếp theo” xuất bản năm 2017, cho biết: “Nhiều thứ mà người Mỹ mua trong các cửa hàng được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Nhưng nơi sản xuất không phải ở Trung Quốc, mà là ở Châu Phi.”

Tôn Viện đề cập đến Lesotho, một quốc gia nhỏ ở miền nam Châu Phi. Hàng chục nhà máy may tại đây đã cung cấp quần jean thương hiệu Levi’s, Kohl’s và Walmart. Công nhân trong nhà máy có thể là người Lesotho, nhưng chủ nhà máy là người Trung Quốc.

Kể từ đầu thế kỷ 21, khi Trung Quốc gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc đã hướng sự chú ý đến các nước kém phát triển nhất của Châu Phi.

Trong 20 năm qua, đặc biệt là sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và thực hiện chính sách mở rộng “Vành đai và Con đường”, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đổ xô đến Châu Phi, tham gia vào các ngành như cơ sở hạ tầng, thương mại và khai thác mỏ.

Ngoài việc thuê lao động địa phương giá rẻ, một số lượng lớn sinh viên trẻ không còn hy vọng sinh tồn ở Trung Quốc Đại Lục đã đến Châu Phi. Một số người kể với truyền thông những câu chuyện về lý do vì sao họ đến Châu Phi.

Mạt Mạt, 22 tuổi, tốt nghiệp trường đại học 985 ở Quảng Châu vào tháng 7/2022 với bằng thạc sĩ quản lý. Một trong những lý do khiến cô đến Châu Phi là trước đó cô đã từng đến Châu Phi khi thực hiện một dự án ở trường liên quan đến môi trường việc làm.

Cô được tuyển dụng để làm việc cho một công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Công việc của cô là tuyển dụng nhân viên địa phương và Trung Quốc cho công ty.

Các đồng nghiệp Trung Quốc xung quanh cô đều nói rằng họ đến làm việc tại Châu Phi vì mức lương cao ở đây. Theo như cô biết, mức lương cho người nước ngoài ở Châu Phi bao gồm 2 phần.

Phần thông thường từ 15.000 – 20.000 nhân dân tệ (~2.000 – 2.760 USD) mỗi tháng cho bằng thạc sĩ, không chênh lệch nhiều so với mức lương cho vị trí tương tự ở Trung Quốc.

Nhưng phần trợ cấp ở nước ngoài lại rất đáng kể. Công ty sẽ trợ cấp dựa trên các điều kiện khác nhau của quốc gia nơi họ được cử đến. “Đất nước bạn đến càng hỗn loạn và nguy hiểm, bạn càng nhận được trợ cấp cao,” Mạt Mạt giới thiệu.

Tăng Khả Y tốt nghiệp Đại học 211 ở Trung Quốc chuyên ngành tiếng Pháp vào năm ngoái. Cô bán hàng cho một công ty tư nhân ở Cameroon, quốc gia ở Trung Phi. Trước đó, cô không có ấn tượng gì với Châu Phi.

Cô nói: “Mục đích rõ ràng của tôi khi đến đây là để kiếm tiền. Tôi và các bạn cùng khóa đều muốn có một sự đảm bảo về vật chất. Chúng tôi chỉ làm việc ở đây 2, 3 năm rồi quay về mua nhà”.

Ban đầu, Tăng Khả Y phải chịu rất nhiều áp lực. Cô bắt đầu lại từ ngành bán hàng. Cô trở về ký túc xá sau khi tan sở mỗi ngày để học lại, và đi làm vào mỗi sáng thứ Bảy. Giao dịch với khách hàng địa phương không dễ dàng, mỗi vùng lại nói một giọng Pháp riêng, khác với những gì cô được học trên lớp trước đây.

Trước khi Trương Lan Lan ra nước ngoài, cô đã làm việc trong một công ty thương mại điện tử trong nước. Khi nghĩ đến Châu Phi, bệnh sốt rét, cảnh nghèo đói và bạo loạn thường xuyên xuất hiện trong đầu cô.

Nhưng khi nhìn thấy một bức ảnh do một người bạn làm việc ở Algeria gửi trong nhóm bạn, có biển và những ngôi nhà màu trắng, cô nghĩ kiến ​​trúc khá đẹp.

4 năm sau, Trương Lan Lan từ chức. Một tháng sau, một công ty do Trung Quốc tài trợ ở Algeria đã tuyển dụng cô làm dịch thuật và thu mua. Tiền lương khá tốt và cô không cần phải chi tiền ăn ở của mình.

Điều thu hút nhất là sau vài tháng làm việc, cô ấy có thể được nghỉ một tháng có lương. Công ty sẽ trả tiền vé máy bay về nước cho cô, nên việc tiết kiệm tiền ở Châu Phi thật dễ dàng.

Trong một bài viết vào tháng 8/2021, người dùng Zhihu “Mo Dao Bu Jue Xiao” (Đừng nói là không biết) tiết lộ anh ấy đã tốt nghiệp cách đây 7 năm, hiện đang ở Châu Phi. Anh đã làm việc nhiều năm trong một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở 3 quốc gia Châu Phi.

Anh cho biết, đây là nơi ngập tràn “vàng”, những ông chủ có khả năng đột phá có thể kiếm được vài triệu tệ (1 triệu tệ tương đương 138.000 USD) cũng là chuyện bình thường. Thu nhập tốt hơn là hàng chục triệu (10 triệu tệ tương đương 1,38 triệu USD), làm lớn hơn thì còn kiếm được nhiều hơn.

Lý do chính là thập kỷ vàng của Châu Phi bắt đầu từ năm 2000. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc xâm chiếm Châu Phi một cách mạnh mẽ, các doanh nghiệp khác bắt nguồn từ đó sẽ kiếm được tiền, miễn là họ sẵn sàng làm việc.

Năm đó dù là cửa hàng bách hóa, siêu thị, khách sạn hay nhà hàng, đều có thể dễ dàng kiếm được vài triệu tệ một năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh và tình hình kinh tế, số người đã giảm hơn một nửa, mọi ngành nghề đều rất ảm đạm.

Kiếm được nhiều tiền nhất là Huawei và các doanh nghiệp nhà nước trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Anh nói: “Những người bạn Huawei chơi cùng nhau hàng ngày tiết lộ rằng khoản trợ cấp 100 USD mỗi ngày ở nước ngoài là rất cao, cộng với nhiều khoản thưởng khác nhau, chí ít cũng phải đến 400.000 – 500.000 tệ (~55.000 – 69.000 USD) một năm (dành cho nhân viên cấp thấp nhất).

Ngoài ra, cũng giống như các doanh nghiệp trung ương mà tôi làm việc, phải nói là ở Châu Phi thăng tiến rất nhanh. Lương của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào chức vụ, khởi đầu đã là hơn 100.000 tệ (~13.800 USD)/năm. Hiện tại ít cũng phải vượt quá 300.000 tệ (~41.500 USD). Còn tiền thưởng hay những khoản khác rất khó tiết lộ…”

Anh ấy tin rằng nếu điều kiện gia đình không khá hoặc trung bình, thì sau khi làm việc chăm chỉ ở Châu Phi khoảng 6, 7 năm, cũng sẽ dễ dàng mua được 1, 2 căn nhà ở Trung Quốc (không tính Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến).

Theo báo cáo, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp sang Châu Phi về cơ bản gấp 2 hoặc 3 lần so với chức vụ tương tự ở Đại Lục. Đây là một kiểu “kiếm tiền nhanh”. Trên thực tế, những người trẻ tuổi hiếm khi nghĩ về những vấn đề lâu dài hơn.

Theo quan sát của Mạt Mạt: “Ngày nay, không ai muốn gắn bó lâu dài với một công ty. Nhiều người nghĩ rằng nếu có thể kiếm được nửa năm tiền lương thì kiếm nửa năm, sau này tính tiếp.”

Những vui buồn khi sống và làm việc tại Châu Phi

Ấn tượng của nhiều người về Châu Phi là rất nóng, với những sa mạc rộng lớn, lạc hậu, chiến tranh và bệnh tật. Khi tuyển dụng, các công ty Trung Quốc sẽ liên tục trao đổi với ứng viên để xác nhận rằng họ thực sự hiểu tình hình.

Theo báo cáo, tình hình thực tế là Bắc Phi đã Châu Âu hóa khá nhiều, Tây Phi và Nam Phi cũng ổn, chỉ có Trung Phi hơi hỗn loạn một chút.

Thông lệ chung của các doanh nghiệp Trung Quốc là xây dựng một khu làm việc có ký túc xá, nghĩa là một nơi vừa sống vừa làm việc. Đối với các hoạt động như ra ngoài mua sắm, công ty thường cử xe đi tập thể, khi ra ngoài một mình, cá nhân cần báo cáo.

“Mo Dao Bu Jue Xiao” giới thiệu rằng môi trường ở Châu Phi không tệ lắm, vì về cơ bản người Trung Quốc đều sống trong khu vực của người Trung Quốc. Nếu làm trong ngành xây dựng thì các văn phòng, chi nhánh hoặc phòng dự án đều rất tốt và có mọi thứ bạn cần (trừ những công trình đặc thù).

Anh nói rằng các khu vực kinh tế của các nước Châu Phi chắc chắn là ở thủ đô và các khu vực thịnh vượng có thể so sánh với các thành phố cấp tỉnh tại Trung Quốc. Hai năm trước, mạng 4G đã được phổ cập tại thủ đô của Congo.

Nhưng an toàn vẫn là một vấn đề lớn. Trần Long tốt nghiệp vào năm 2018 và làm việc với tư cách là nhà điều hành Internet trong một công ty do Trung Quốc tài trợ ở Châu Phi.

Anh phải mua một chiếc dây đeo điện thoại di động ở Trung Quốc. Mỗi khi ra ngoài, anh thường quấn chặt dây đeo điện thoại di động vào tay, để dù có bị cướp cũng khó giật được điện thoại.

Báo cáo cho biết, ưu điểm của việc giữ chân mọi người là công ty giải quyết được hầu hết các vấn đề sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho cá nhân, giúp tiết kiệm tiền dễ dàng hơn. Nhược điểm là việc giải trí và tiêu dùng của thanh niên rất thiếu hụt.

Tăng Khả Y phàn nàn rằng ở quốc gia Trung Phi Cameroon, có cảm giác không có cỏ. Một số thói quen trong nước rất khó bỏ, chẳng hạn như muốn uống trà sữa và gọi đồ ăn, nhưng những thói quen này không thể thực hiện ở Châu Phi.

Các vấn đề y tế cũng khá phức tạp. Nhiều đồng nghiệp của Trần Long đã bị sốt rét, hoa mày chóng mặt vì sốt.

Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ký ức của Trương Lan Lan là bãi biển mà cô thường đến nghỉ ngơi. Cô và đồng nghiệp đang đi dạo bên bờ biển thì nhìn thấy một người đàn ông địa phương đang dắt hai con ngựa. Sau một hồi trao đổi, anh ấy đã đồng ý cho cô cưỡi ngựa của anh ấy để chụp ảnh.

“Nếu được giao cho người Trung Quốc chúng tôi phát triển, nơi này đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch từ lâu,” cô nói.

Sau khi vượt qua giai đoạn sợ hãi ban đầu, Trần Long bắt đầu khám phá thế giới bên ngoài. Anh phát hiện ra rằng ở Châu Phi cũng có rất nhiều quán KTV và nhà hàng Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc chơi bóng và đánh bài.

Sau này, anh mua ô tô và thường xuyên lái xe từ thành phố này sang thành phố khác, khi gặp cảnh sát khó tính trên đường, anh có thể giải quyết bằng một ít tiền.

Hiện giờ, với tư cách là một người nước ngoài, Trần Long đã tìm được cảm giác anh ấy “rất đặc biệt” ở đây. Anh sống trong biệt thự do công ty cấp, có giúp việc và bể bơi.

Anh dường như nhận được sự đãi ngộ của các doanh nhân trong và ngoài nước dành cho mình. Anh nói: “Sau đó, tôi dần dần quen với cuộc sống như thế này, và tôi không thể quay trở lại.”

Lao động Trung Quốc bất hợp pháp ở Châu Phi

Các công ty Trung Quốc ở Châu Phi có thể được chia thành 3 nhóm. Một là các công ty công nghệ cao như Huawei, ZTE, OPPO, DJI… Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng như China State Construction (CSCEC). Nhóm thứ 3 là doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thương mại.

Một số người thực hiện ước mơ làm giàu, trong khi những người khác mơ ước phá nát Châu Phi. Hầu hết họ là lao động bất hợp pháp.

Trong một bài viết, giảng viên Vương Đào và tiến sĩ Vương Mãnh tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi của Đại học Vân Nam, cho biết với số người Trung Quốc đến Châu Phi tham gia các hoạt động kinh tế và thương mại ngày càng tăng, theo ước tính của các nhà nghiên cứu phương Tây, hiện có hơn 1 triệu người Trung Quốc ở Châu Phi.

Theo phân tích của tác giả, có 4 nhóm lao động Trung Quốc đến Châu Phi tham gia vào các hoạt động kinh tế và thương mại bất hợp pháp.

Một là những người chưa xin “giấy phép lao động” đã đến làm việc ở Châu Phi.

Hai là những người có giấy phép lao động hết hạn chưa được cấp giấy phép mới, nhưng vẫn tiếp tục ở lại làm việc.

Ba là những người đến làm việc ở Châu Phi thông qua các thủ tục không chính thức, như những người vào nước này thông qua thị thực du lịch, nhưng tham gia vào các hoạt động kinh tế và thương mại.

Bốn là những người hoạt động kinh tế, thương mại không đúng quy định, không đầy đủ thủ tục.

Tác giả cho rằng vấn đề lao động Trung Quốc bất hợp pháp phổ biến hơn trong ngành dệt may và bán hàng của Nigeria, ngành khai thác vàng của đất nước Tây Phi Ghana.

Nigeria là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất ở Tây Phi, đồng thời đây cũng là thị trường có hợp đồng dự án nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc ở Châu Phi.

Luật pháp Nigeria quy định rằng chỉ những người nước ngoài đã có giấy phép lao động mới có đủ điều kiện “nhập khẩu hàng dệt may từ nước ngoài” và có quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, một số người Trung Quốc đã tham gia vào lĩnh vực này thông qua hối lộ và các phương thức khác. Tại các thị trường lớn như Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, và thị trấn Kano quan trọng phía bắc, đều có người Trung Quốc tham gia sản xuất và bán lẻ liên quan đến ngành dệt may.

Tháng 5/2012, Cơ quan Nhập cư Nigeria đã bắt giữ 45 công nhân Trung Quốc bất hợp pháp tại Chợ Dệt may Kantin Kwari ở thành phố Kano. Sau đó, các nhà chức trách đã bắt giữ tổng cộng 95 lao động Trung Quốc bất hợp pháp tại các thành phố Kano, Lagos, Kaduna và Onitsha.

Lao động bất hợp pháp cũng làm gia tăng sự căm ghét của người dân Nigeria đối với người Trung Quốc, thậm chí đã xảy ra nhiều vụ cướp giật và tấn công người Trung Quốc ở Nigeria.

Quốc gia Tây Phi Ghana là nhà sản xuất vàng lớn thứ 2 ở Châu Phi. Những người Trung Quốc đến Ghana đào vàng sớm nhất đến từ Hắc Long Giang. Cuối những năm 1990, những người từ Chu Châu, Hồ Nam cũng lần lượt đến đây, phần lớn đều là lao động bất hợp pháp.

Năm 2006, Ghana ban hành “Luật khoáng sản và khai thác” mới, trong đó quy định rõ ràng rằng quyền khai thác các mỏ nhỏ có diện tích dưới 25 mẫu (khoảng 152 mẫu) trong nước chỉ được cấp cho công dân Ghana có đủ 18 tuổi. Người nước ngoài không được chấp nhận hoặc không có quyền mua và khai thác mỏ nhỏ, cũng không được phép tham gia khai thác vàng quy mô nhỏ.

Nhưng trong năm đó, một lượng lớn thợ đào vàng từ Thượng Lâm, Quảng Tây đã tràn vào Ghana, gây ra một đợt đổ xô đi tìm vàng mới. Một số người trở nên giàu có nhờ điều này, những người đồng hương của họ cũng lũ lượt đến Ghana khai thác vàng.

Đến năm 2009, có hơn 12.000 thợ đào vàng Trung Quốc đến khai thác vàng ở Ghana. Họ không có giấy phép khai thác vàng chuyên nghiệp, nhưng họ mua máy khai thác vàng từ Trung Quốc và tham gia vào các hoạt động khai thác vàng bằng cách hối lộ các thủ lĩnh tại địa phương.

Trong một cuộc phỏng vấn, một doanh nhân người Trung Quốc tại Angola nói với Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ: “Người của cảnh sát và cục nhập cư đến gặp chúng tôi hàng tuần để xin tiền… Chúng tôi lại sống như những kẻ trộm.” Để tránh bị trừng phạt, anh đành phải hối lộ những người quản lý.

Trong một số hoạt động từ tháng 3 – 10/2012, Cục Nhập cư Ghana và đồn cảnh sát đã liên tiếp bắt giữ hàng chục đến hàng trăm người Trung Quốc khai thác vàng trái phép và đánh chết một trong số họ. Từ tháng 2 – 5/2013, Ghana đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ những người khai thác vàng trái phép của Trung Quốc, dẫn đến cái chết của nhiều người.

Dưới sự bảo trợ của Tổng thống Ghana John Dramani Mahama, 5 bộ và ủy ban của Ghana đã thành lập một nhóm công tác để làm sạch hoạt động khai thác vàng trái phép. Tổng cộng 4.592 người Trung Quốc khai thác vàng trái phép đã bị bắt và bị trục xuất. Thiết bị khai thác vàng của họ bị tịch thu và tiêu hủy.