Còi báo động không kích đã vang lên khắp Ukraine vào sáng hôm 31/10 trong bối cảnh một số cơ sở năng lượng trọng yếu của đất nước này tiếp tục bị tấn công, theo tờ TASS. Cùng ngày, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kirill Timoshenko thông báo việc cắt điện khẩn cấp sẽ được tiến hành trên khắp Ukraine sau khi các cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại nặng do không kích.

cắt điện khẩn cấp
(Ảnh minh họa: Kutsenko Volodymyr/Shutterstock)

“Chúng tôi phải cắt điện khẩn cấp vì các vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào phần hạ tầng quan trọng. Đội phản ứng đang khắc phục hậu quả”, ông Timoshenko cho hay.

Trước đó, hãng truyền thông Ukraine Zerkalo Nedeli đưa tin cùng ngày, các nhà máy thủy điện Dnieper, Dniester và Kremenchuk ở Ukraine đã bị tấn công, làm gián đoạn một phần nguồn cung cấp điện.

Trong khi đó, báo Klymenko Time dẫn lời ông Anatoly Kurtev, Chủ tịch Hội đồng thành phố Zaporizhzhia do Kyiv kiểm soát, cho biết thành phố này đã bị cắt điện từ sáng 31/10.

Tại thành phố Dnipro, người đứng đầu chính quyền quân sự tại địa phương, ông Valentin Reznichenko cho hay các thiết bị bay cảm tử đã tấn công vào một cơ sở sản xuất năng lượng ở quận Kamenskoye, khiến nguồn cung năng lượng tại đây bị gián đoạn.

Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát đi tín hiệu cho biết Điện Kremlin có thể sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh với Ukraine, trong điều kiện phương Tây đáp ứng một số điều kiện nhất định. Thông điệp trên được đưa ra sau khoảng 8 tháng kể từ khi Moscow mang quân đội vào lãnh thổ Ukraine với cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/2.

Mặc dù Nga ban đầu hy vọng chiến thắng nhanh chóng, nhưng cuộc xâm lược đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của họ, đồng thời làm tổn thất lợi ích của Điện Kremlin.

Ở chiều ngược lại, Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây, tăng cường các nỗ lực quốc phòng và cho phép quân đội của họ phát động một cuộc phản công mạnh mẽ để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng.

Khi giao tranh nổ ra, các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Đông Âu đã bị đình trệ. Ukraine là quốc gia đã chứng kiến nỗ lực đáng ngạc nhiên khi mong muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga bị lật đổ hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Nga tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chấm dứt chiến tranh, mặc dù phải đối mặt với những tổn thất ngày càng tăng, cả về kinh tế lẫn ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Lavrov đã thảo luận về khả năng đàm phán giữa Nga và phương Tây trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm 29/10.

Ngoại trưởng Nga nói rằng Nga “luôn sẵn sàng lắng nghe những người đồng cấp phương Tây nếu họ đưa ra yêu cầu để tổ chức một cuộc đối thoại”.

Phan Anh