Ở Trung Đông, xu thế chống LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) hiện đang lên cao. Tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon…, các nhóm LGBTQ đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng hơn. Trước đó Uganda đã thông qua luật xem LGBTQ là phạm tội – trở thành một trong những nước có luật chống LGBTQ nghiêm khắc nhất thế giới.

GettyImages 1243331138
Người biểu tình cầm biểu ngữ và cờ trong cuộc biểu tình chống LGBT do các tổ chức ủng hộ Hồi giáo tổ chức ở Istanbul vào ngày 18/9/2022. Theo lời kêu gọi của hơn một trăm nhóm và hiệp hội bảo thủ, hầu hết đều thân cận với chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những người biểu tình yêu cầu cấm các hiệp hội bảo vệ quyền của người đồng tính và chuyển giới. (Nguồn ảnh: YASIN AKGUL/AFP qua Getty Images)

Thực trạng ở một số nước tiêu biểu

Trên khắp Trung Đông, cộng đồng LGBTQ phải đối mặt với sự áp chế ngày càng tăng, phản ánh ảnh hưởng của những người bảo thủ Mỹ nhằm hạn chế quyền của người đồng tính và chuyển giới cũng như loại bỏ ảnh hưởng của họ trong xã hội, tờ Washington Post đưa tin.

Vào tháng 7 vừa qua, khi các nhà hoạt động LGBTQ của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng họ sẽ tổ chức “Diễu hành Tự hào” (Pride parade) hàng năm tại quảng trường chính của Istanbul, nhà chức trách nước này đã phong tỏa quảng trường của thành phố, đồng thời đóng cửa các tuyến tàu điện ngầm và đường cao tốc. Do đánh lạc được hướng của cảnh sát, cộng đồng LGBTQ đã gặp nhau ở những nơi khác trong thành phố để âm thầm tổ chức hoạt động.

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, Talya Aydin, một phụ nữ chuyển giới đang tranh cử vào quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ năm nay, cho biết: “Tại thời điểm này, cộng đồng (LGBTQ) về cơ bản đang chơi trò đánh chuột chũi (whack-a-mole), cộng đồng (LGBTQ) luôn chiến thắng”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người trong năm nay phải đối mặt với cuộc bầu cử quốc gia khó khăn, hồi tháng 5 đã tổ chức cuộc vận động tranh cử ở thành phố Rize bên Biển Đen, ông Erdogan đã nói khi gặp những người ủng hộ, đã chế nhạo đối thủ chính của ông là thủ lĩnh Kemal Kilicdaroglu của phe đối lập: “Ông Kemal, chúng tôi biết ông là người ủng hộ LGBTQ. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép (LGBTQ) phá hại [nền tảng] gia đình của ông”.

Khi được các phóng viên truyền thông đặt câu hỏi, ông Erdogan trả lời: “Một khi khái niệm LGBTQ được đưa vào gia đình, đó là một loại thuốc độc”. Đồng minh chính trị của ông Erdogan cũng cùng quan điểm, như Thống đốc Davut Gul của Istanbul biện minh cho lệnh cấm của chính phủ đối với “diễu hành tự hào” của LGBTQ trong năm nay: “Không được phép đe dọa gia đình của chúng ta, vì gia đình là nền tảng của cấu trúc quốc gia của chúng ta”.

Nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ Marsel Tugkan Gundogdu cho biết những luận điệu kích động như vậy là chưa từng có, và “những luận điệu chống (LGBTQ) như vậy chưa bao giờ được đưa ra thường xuyên trong chương trình nghị sự chính trị”.

Vào tháng 7, Hội đồng tối cao về phát thanh và truyền hình (Radio and Television Supreme Council) của Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Disney, và Amazon Prime vì hiển thị “các mối quan hệ và hành vi đồng tính luyến ái trái với văn hóa xã hội và các giá trị gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tại thủ đô Amman của Jordan, gần đây buổi chiếu một bộ phim về nhân vật chính đồng tính đã bị hủy bỏ theo lệnh của chính phủ. Một luật an ninh mạng mới vừa được Thượng viện Jordan thông qua gồm các quy định về “phép lịch sự nơi công cộng” và lệnh cấm chia sẻ “tài liệu trái đạo đức” với ngôn từ mơ hồ – vấn đề khiến các nhóm LGBTQ nước này lo ngại có thể khiến chính phủ Jordan bảo hộ cho hành động pháp lý [liên quan chống lại họ].

Ở Lebanon, một quảng cáo bia có vẻ ủng hộ người không tuân theo giới tính đã bị chế giễu rộng rãi trên mạng, tương tự như phản ứng dữ dội mà Bud Light phải đối mặt ở Mỹ sau khi hợp tác với một người chuyển giới có ảnh hưởng trên TikTok. Một số cư dân mạng đã bình luận trên Twitter: “Giống như BudLight… theo hướng tỉnh thức! Để phá sản!” (Just like BudLight…go woke, go broke!)

Ngoài ra tại Nga luật cấm “tuyên truyền LGBT đã có hiệu lực từ ngày 5/12/2022; ngày 14/7 năm nay, Duma Quốc gia (The State Duma) thông báo thông qua luật mới cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Uganda là nước đầu tiên trên thế giới xem LGBTQ là phạm pháp

Theo các nguồn tin từ Reuters, BBC, AFP, The Guardian…, ngày 21/3 quốc hội Uganda đã thông qua dự luật hình sự hóa LGBTQ. Ngoài các hành vi đồng giới, pháp luật nước này nghiêm cấm khuyến khích, tiếp tay và âm mưu thực hiện các hành vi đồng tính luyến ái. LGBTQ đề cập đến đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và đa dạng tính dục.

Theo luật mới của Uganda, những người vi phạm phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm án tử hình đối với cái gọi là đồng tính luyến ái nghiêm trọng và tù chung thân đối với quan hệ tình dục đồng tính. Hành vi tình dục đồng giới nghiêm trọng bao gồm hành vi tình dục đồng giới với người dưới 18 tuổi, hoặc thủ phạm là người dương tính với vi-rút AIDS (HIV).

Ngoài ra, những người bị kết tội bắt cóc hoặc buôn lậu trẻ em với mục đích quan hệ tình dục đồng giới có thể bị kết án tù chung thân. Các cá nhân và tổ chức hỗ trợ hoặc tài trợ cho các hoạt động hoặc nhóm LGBT, xuất bản, phát sóng và phân phối các tác phẩm văn học và phương tiện truyền thông ủng hộ LGBT cũng sẽ phải đối mặt với việc truy tố và kết án.

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, luật mới của Uganda có thể là luật đầu tiên trên thế giới cấm LGBT.

Reuters đưa tin vào ngày 29/5, Tổng thống Yoweri Museveni của Uganda đã ký thành luật một dự luật chống LGBTQ được Quốc hội thông qua, theo đó quy định “đồng tính luyến ái nghiêm trọng” sẽ bị tử hình. Tương tự hơn 30 nước châu Phi, đồng tính luyến ái vốn đã là bất hợp pháp ở Uganda nhưng hiện nay luật mới trong vấn đề này còn cứng rắn hơn, theo đó tòa án có thể tuyên phạt tử hình những người truyền bệnh AIDS và các bệnh nan y khác thông qua hành vi tình dục đồng giới; hành vi cổ xúy đồng tính luyến ái có thể bị phạt tù 20 năm.

Tổng thống Museveni (78 tuổi) của Ugandan gọi đồng tính luyến ái là xa rời trạng thái bình thường của con người, kêu gọi các nhà lập pháp chống lại áp lực từ các nước phương Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, người khởi xướng dự luật là Asuman Basalirwa cho biết thị thực Mỹ của Chủ tịch Quốc hội Ugandan là Anita Amon đã bị hủy sau khi Tổng thống Museveni ký thông qua dự luật. Chủ tịch Quốc hội Anita Amon và Đại sứ quán Mỹ tại Uganda đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của giới truyền thông.