Tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Để nhìn lại, Reuters đã khái quát những diễn biến chính theo thời gian.

Philippines
Tàu cá Philippines (gần) và tàu tuần dương của Trung Quốc (xa) gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP qua Getty Images)

Ngày 3 – 5/1: Tổng thống Marcos Jr. có chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh, ông  Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thiết lập kênh liên lạc trực tiếp về vấn đề Biển Đông giữa bộ ngoại giao hai nước.

Ngày 2/2: Theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được Mỹ và Philippines ký năm 2014, Philippines đồng ý cho quân đội Mỹ mở rộng thêm 4 căn cứ quân sự, nâng số lượng căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines lên tới 9 căn cứ.

Ngày 13-14/2: Philippines cáo buộc một tàu cảnh sát biển Trung Quốc chiếu “tia laser cấp quân sự” vào những người bảo vệ một tàu chiến cũ mà Philippines đã neo đậu từ năm 1999 ở bãi Cỏ Mây [quần đảo Trường Sa  – Việt Nam] (Philippines gọi là Bãi cạn Thomas 2, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái/Ren Ai), do đó Tổng thống Marcos Jr. đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines.

Ngày 4/3: Philippines phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc và 42 tàu dân quân biển đang hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ [quần đảo Trường Sa  – Việt Nam] (Philippines gọi là Pag-Asa, Trung Quốc gọi là đảo Trung Nghiệp/Zhong Ye) – hòn đảo mà Philippines xem là lớn nhất và quan trọng nhất về mặt chiến lược ở Biển Đông.

Ngày 3/4: Philippines công bố địa điểm 4 căn cứ quân sự bổ sung mở cho quân đội Mỹ theo “Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường”, trong số đó có 3 căn cứ nằm đối diện Đài Loan và 1 căn cứ gần vùng biển tranh chấp của Quần đảo Trường Sa (Philippines gọi là Spratly).

Ngày 11/4: Hơn 17.000 quân nhân Philippines và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ ​​trước đến nay ở Philippines.

Ngày 22/4: Tổng thống Marcos Jr. và Ngoại trưởng Philippines gặp cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương thăm Manila, hai bên hứa sẽ hợp tác cùng nhau để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ngày 1/5: Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón ông Marcos Jr tại Nhà Trắng, là tổng thống Philippines đầu tiên đến thăm Mỹ sau 10 năm, hai bên đều bày tỏ “cam kết chắc chắn về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Ngày 3/5: Mỹ và Philippines đạt được thỏa thuận về hướng dẫn mới cho hiệp ước phòng thủ chung được hai nước ký năm 1951, trong đó đề cập nếu một trong hai nước bị tấn công vũ trang “bất cứ nơi nào trên Biển Đông”, thì cam kết bảo vệ lẫn nhau sẽ được kích hoạt.

Ngày 6/6: Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc tập trận chung 3 bên đầu tiên ở Biển Đông.

Ngày 7/7: Quân đội Philippines cho biết họ đã phát hiện một số lượng “gây sốc” tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 5/8: Philippines cáo buộc một tàu cảnh sát biển Trung Quốc chặn một tàu tiếp tế chở thực phẩm cho binh lính trên bãi Cỏ Mây (tức Thomas 2 theo cách gọi Philippines) và bắn vòi rồng vào tàu này.

Ngày 7/8: Cảnh sát biển Trung Quốc kêu gọi Philippines kéo tàu chiến đang đậu trên bãi Cỏ Mây đi khỏi.

Ngày 24 – 25/9: Philippines cáo buộc Trung Quốc lắp đặt và tháo dỡ phao ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

F6wuGuPaYAABzDD e1695572694540
Cảnh biển Philippines PCG và Cục Thuỷ sản BFAR phát hiện ra hàng rào nổi của Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Mạng xã hội)

Ngày 16/10: Quân đội Philippines tuyên bố rằng một tàu hải quân Trung Quốc đã đuổi theo và cố gắng đánh chặn một tàu hải quân Philippines đang tiến hành các hoạt động tiếp tế gần đảo Thị Tứ [Việt Nam].

Ngày 22 – 24/10: Philippines cáo buộc một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cố tình đâm vào một tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho quân Philippines đồn trú ở bãi Cỏ Mây [Việt Nam] (tức Thomas 2 theo cách gọi Philippines), nhưng không ai bị thương.

Philippines TQ
Tàu cảnh sát biển của ĐCSTQ ngăn chặn một tàu Philippines tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây (Video chụp màn hình).

Ngày 16/11: Philippines kêu gọi Trung Quốc phá hủy tất cả “công trình bất hợp pháp” được xây dựng trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, ngừng hoạt động bồi đắp xây dựng đảo ở những khu vực này, chịu trách nhiệm về tác hại do các hoạt động Trung Quốc gây ra.

Ngày 21/11: Philippines và quân đội Mỹ lần đầu tiên tổ chức cuộc tuần tra chung trên không phận biển ở Biển Đông.

Ngày 25/11: Philippines và Úc lần đầu tiên tổ chức cuộc tuần tra chung trên không phận biển ở Biển Đông.

Ngày 3/12: Philippines cho biết phát hiện hơn 135 “cuộc tụ tập bất hợp pháp” của các tàu dân quân biển Trung Quốc gần đá Ba Đầu [Việt Nam] (Philippines gọi là Whitsun Reef, Trung Quốc gọi là đá Ngưu Ách/Niu e).

Ngày 9-10/12: Philippines cáo buộc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công một số tàu chở hàng tiếp tế cho binh lính neo đậu ở bãi Cỏ Mây [Việt Nam] (tức Thomas 2 theo cách gọi Philippines), trong đó có một tàu chở Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, một tàu khác bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm phải. Cảnh sát biển Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines cố tình đâm vào tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.

Ngày 11/12: Philippines cho biết hành động của tàu Trung Quốc thể hiện “sự leo thang nghiêm trọng”.

Ngày 19/12: Tổng thống Marcos Jr. nói rằng Philippines cần “thay đổi mô hình” trong cách nước này xử lý vấn đề Biển Đông, do những nỗ lực ngoại giao với Bắc Kinh đang “đi sai hướng”.

Ngày 20/12: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quan hệ Trung Quốc-Philippines đang ở ngã ba đường, cảnh báo Philippines không nên “đánh giá sai tình hình và khăng khăng đi theo con đường riêng của mình”, nếu không Trung Quốc sẽ “kiên quyết đáp trả”.

Ngày 21/12: Ông Marcos Jr. phản ứng mạnh mẽ với ông Vương Nghị, nhắc lại rằng Philippines sẽ tiếp tục khẳng định và bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.

….

Mới đây hôm thứ Tư (20/12), ông Vương Nghị –  Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Ngoại trưởng – cáo buộc Manila kích động rắc rối trên biển, cảnh báo Philippines nếu cố chấp hành động sai trái thì Trung Quốc sẽ “kiên quyết đáp trả”. Đáp lại, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông.

Theo Reuters