Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên thống nhất đề xuất UBND TP. Hà Nội cho lập đề án công viên văn hóa đa năng ở khu vực bãi nổi giữa sông Hồng.

bai giua song hong
Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên thống nhất đề xuất UBND TP. Hà Nội cho lập đề án công viên văn hóa đa năng ở khu vực bãi nổi giữa sông Hồng. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Tại phiên giải trình về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị tại bãi bồi sông Hồng hôm 25/11, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết 4 quận đã thống nhất báo cáo UBND thành phố để lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”, kinh phí từ ngân sách các quận.

Đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch…

Khu vực bãi bồi ven sông Hồng tại quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương, Phúc Tân có tổng diện tích dao động trong khoảng từ 15,3 – 18,05 ha với chiều dài bờ sông khoảng 3,8 km.

Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm và có một phần (khoảng một ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

Trước đó, hồi tháng 3, quận Hoàn Kiếm từng lập đề án xây dựng bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Sau đó, quận phối hợp với quận Long Biên để cùng xây dựng đề án.

Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của thành phố cho rằng quy hoạch công viên bãi giữa sông Hồng phải phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và việc nghiên cứu khu bãi giữa, bãi bồi và hai bờ sông Hồng nên thực hiện với toàn bộ quận có sông Hồng chảy qua. Do đó, quận Hoàn Kiếm đã họp bàn với ba quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và cùng đề xuất thành phố lập đề án.

Tạp chí Diễn đàn và Doanh nghiệp dẫn lời KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Từ lâu nay, vấn đề đi lại ở khu vực này vẫn còn bất cập. Do đó, địa phương cần cân nhắc phương tiện, đường đi sao cho thuận tiện, an toàn với người dân.

Ông cũng cho rằng quy hoạch công viên tại đây đòi hỏi thêm những tính toán để đáp ứng nhu cầu ăn uống, dịch vụ khác của người dân.

“Ngoài thiết lập khu vui chơi, thể thao, địa phương cần tính đến việc quy hoạch những công trình khác như nhà dân, quán ăn. Các công trình này chiếm tỷ lệ ít trong tổng số đất sử dụng, nhưng rất quan trọng. Người dân không thể ra đó vui chơi, rồi lại chạy vào trong nội đô ăn uống”, ông Chính đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Chính cho hay giải quyết bài toán thoát lũ cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu, đòi hỏi việc bố trí nguồn lực thích hợp, thích ứng với giải pháp khoa học nhằm đảm bảo an toàn. Bởi theo ông, dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động và mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án.

Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực sông Hồng chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, dân số hơn 181.000, tổng diện tích khoảng 686 ha. Nơi đây được định hướng là khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây – Cổ Loa.

Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, TP. Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).

Minh Long