PGS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm giám đốc bệnh viện dã chiến, cho biết việc xây dựng bệnh viện dã chiến đa tầng xuất phát từ nhu cầu thực tế số lượng bệnh nhân COVID-19 quá đông, nhiều bệnh viện quá tải… Đến ngày 18/8, TP.HCM đang điều trị cho 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

covid 19 tphcm 1000000
Ngày 18/8, Việt Nam ghi nhận thêm 8.800 ca COVID-19. (Ảnh: HCDC)

TP.HCM đang điều trị cho 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi

Tại TP.HCM, ngày 18/8, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng chính thức đi vào hoạt động. Đây là mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP.HCM điều trị cùng lúc cả 3 tầng cho bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng, do bệnh viện Thống Nhất chịu trách nhiệm vận hành chính.

Bệnh viện được trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình và đầu tư cải tạo thành bệnh viện dã chiến, có địa chỉ tại số 446 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 4, quận Tân Bình.

PGS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết việc xây dựng bệnh viện dã chiến đa tầng xuất phát từ nhu cầu thực tế số lượng bệnh nhân COVID-19 quá đông, nhiều bệnh viện quá tải, việc vận chuyển bệnh nhân từ tầng này lên tầng khác gặp nhiều trở ngại.

“Bệnh viện điều trị đa tầng từ mức độ nhẹ đến nặng giúp bệnh nhân đỡ phải di chuyển, đồng thời làm sao giảm thiểu bệnh nhân chuyển từ nhẹ thành nặng”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, bệnh viện tổng số 1.000 giường bệnh, trong đó có 50 giường hồi sức, 150 giường cho bệnh nhân nặng, 500 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình và 300 giường cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tuỳ vào thực tiễn, bệnh viện sẽ có những điều chỉnh để phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị cho bệnh nhân.

Về nhân lực, hiện nay bệnh viện Thống Nhất được giao chịu trách nhiệm chính vận hành. Ngoài ra, bệnh viện nhận được sự hỗ trợ nhân lực từ bệnh viện Đa khoa Tân Bình, Trung tâm Y tế Tân Bình và tất cả hệ thống y tế tại thành phố.

Bệnh viện trang bị 30 máy thở oxy dòng cao HFNC, dành cho các bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến ngày 18/8, thành phố ghi nhận 158.499 ca nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 158.096 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 403 trường hợp nhập cảnh.

Đáng chú ý, thành phố đang điều trị cho 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/8 có 2.561 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 78.150 bệnh nhân. Có 285 trường hợp tử vong trong ngày.

Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 17/8, giới chức Y tế đã lấy 1.269.843 mẫu, (trong đó có 770.237 mẫu đơn, 499.606 mẫu gộp), với 4.592.677 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất…). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.471 mẫu, trong đó có 6.056 mẫu đơn và 415 mẫu gộp.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 44.478 người, trong đó có 17.904 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.092 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.103 người.

Chuỗi lây nhiễm tăng nhanh ở Bắc Ninh, Nghệ An

Tại Bắc Ninh, đến sáng 18/8, Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 tỉnh ghi nhận thêm 18 ca dương tính mới, đều liên quan đến nhân viên cửa hàng Viettel Post, chủ yếu ở huyện Lương Tài.

Như vậy, tính đến sáng 18/8, Bắc Ninh ghi nhận tổng 52 ca liên quan cụm dịch này, trong đó có 48 ca ở Lương Tài, 3 ca TP. Bắc Ninh và 1 ca ở Gia Bình.

Chuỗi lây nhiễm cắt đứt 21 ngày liên tiếp tỉnh Bắc Ninh không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Giới hữu trách dự báo trong những ngày tới, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Huyện Lương Tài hiện có hơn 90 điểm lấy mẫu, 63.810 người dân, 20.473 gia đình được lấy mẫu.

Tại Nghệ An, từ 6h ngày 17/8 đến sáng 18/8, tỉnh ghi nhận thêm 59 người dương tính. Đây là lần đầu tỉnh này ghi nhận số bệnh nhân cao nhất trong vòng 24h kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19.

Trong số này, 25 ca liên quan tới chợ đầu mối Vinh (ổ dịch mới trong cộng đồng), rải rác ở các địa phương như huyện Nam Đàn, TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Tính từ lúc phát hiện ca đầu tiên ngày 14/8, tới nay ổ dịch chợ đầu mối Vinh đã phát hiện 45 F0.

Tỉnh quyết định giãn cách xã hội 3 huyện, thị xã theo Chỉ thị 15; trong đó thị xã Thái Hòa từ 18h ngày 17/8; huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn từ 0h ngày 18/8.

TP. Vinh áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8. Từ 20/8, TP. Vinh bắt đầu phát thẻ ra vào chợ cho người dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình được đi chợ tối đa 3 ngày/lần, được phát 5 thẻ vào chợ cho 15 ngày, mỗi thẻ chỉ vào chợ một lần.

Bộ Y tế tối 18/8 ghi nhận thêm 8.800 ca COVID-19, có 8.788 ca ở 42 tỉnh thành. Trong đó, TP.HCM nhiều nhất với 3.731 ca, tiếp đến là Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Đà Nẵng (278)…

Có 3.751 bệnh nhân được công bố bình phục trong ngày 18/8 (nâng tổng số ca lên 115.059 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 654 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.

Ngày 18/8, Việt Nam ghi nhận 298 ca tử vong tại: TP.HCM (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 302.101 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170 (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 298.064 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố bình phục.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (160.117), Bình Dương (52.346), Long An (16.007), Đồng Nai (14.945), Bắc Giang (5.795).

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.

Lê Hoàn

Xem thêm:

Nhiều bệnh viện ở Đắk Lắk bị phong tỏa tạm thời do liên quan đến các ca nhiễm COVID-19