Bộ Công an vừa tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

bo cong an tinh giai phap dua adn giong noi mong mat vao du lieu can cuoc
Bộ Công an tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học AND, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước mới. (Ảnh minh họa: Quality Stock Arts/shutterstock)

Hội thảo trên được tổ chức vào hôm 6/2.

Tại Hội thảo, GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cấp cao về toán, nói sinh trắc học là một phần số của con người, là lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khai thác dữ liệu để khẳng định được các danh tính.

Theo ông Bảo, ADN có nhiều ưu điểm như độ chính xác cao, không giả mạo được, nhưng lại có nhược điểm là chi phí cao.

Trong khi đó, sinh trắc học qua giọng nói thì chi phí thấp, dễ dàng sử dụng và thiết bị áp dụng đơn giản hơn, nhưng lại có nhược điểm có thể bị giả mạo và môi trường ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, sinh trắc qua mống mắt thì chi phí trung bình nhưng yêu cầu các thiết bị phức tạp và chi phí cao hơn.

Còn ông Nông Văn Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, thì cho rằng, việc lựa chọn giải pháp sinh trắc học như thế nào cũng cần lựa chọn để phù hợp với chi phí, tính thuận lợi và tính bảo mật.

Ông Hải cho hay từ nay tới trước khi Luật Căn cước có hiệu lực thì cần có đề án để phân công rõ ràng về nguồn lực, hội đồng liên quan tới vấn đề đạo đức khi lấy mẫu.

Trong khi đó, về nguồn lực đầu tư thực hiện các giải pháp, ông Hải đề xuất có thể lấy từ ngân sách nhà nước, từ nguồn lực xã hội hóa và nguồn ủng hộ của quốc tế (nếu có).

“Đây là công việc lâu dài, ảnh hưởng tới toàn xã hội, liên quan tới vị thế khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam. Tôi nghĩ cần tham khảo thêm các nước trên thế giới xem họ làm như thế nào”, ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Đức Công, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, việc áp dụng ADN vào căn cước là một giải pháp, chứ không phải là tất cả. Dữ liệu ADN theo cách hiểu của ông Công là chủ yếu trong phòng chống tội phạm. Do đó, quá trình thực hiện cần thu thập gen như thế nào đối với những người có từng cơ địa khác nhau, bởi mỗi người có cơ địa khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau, có thể sinh ra bệnh này, bệnh kia.

Ông Công ủng hộ việc thu thập gen qua hình thức lấy mẫu máu. Quá trình chia sẻ ý kiến, ông Công băn khoăn rằng, đây là giải pháp tốn tiền, nên cần nghiên cứu thêm.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết từ ngày 1/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực, về lý thuyết thì nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong căn cước mới. Các nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Trung Quốc, đều áp dụng ADN trong căn cước, dữ liệu về ADN.

Cũng theo ông Tấn, trên thế giới, cũng cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc (Hiệp ước châu Âu) trên tinh thần tự nguyện và phục vụ cho công tác tìm kiếm, tội phạm. Tại Mỹ, Đạo luật Định danh cũng khẳng định nội dung trên. Tại Việt Nam, Luật Căn cước vừa qua đưa ADN vào trong luật.

Trước đó, liên quan đến việc thu thập thêm thông tin về đặc điểm sinh trắc học gồm cả mống mắt, ADN và giọng nói vào dữ liệu căn cước, RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông “thật sự ngạc nhiên và không khỏi thắc mắc và lo ngại, ít nhất là về 2 phương diện: Pháp lý và bảo mật cá nhân”.

“Về pháp lý, các đặc điểm mống mắt, ADN đều là những thông tin cá nhân, thuộc về quyền nhân thân, quyền thân thể được hiến pháp minh thị bảo vệ. Một đạo luật như Luật Căn cước Công dân không thể phủ nhận quyền do Hiến pháp quy định, trừ khi công dân tự nguyện ưng thuận từ bỏ quyền được Hiến pháp bảo vệ, nhưng đây chỉ là khả năng mang tính cá biệt mà thôi.

Đồng thời, trong thực tế, mống mắt hoặc giọng nói đều là những cách thức bảo mật của người dân để thực hiện sự bảo vệ các tài khoản ngân hàng, danh khoản chứng khoán, mạng xã hội, mở khóa điện thoại di động cá nhân, wifi, cổng nhà, camera an ninh và rất nhiều các loại bảo mật khác trong sinh hoạt của người dân. Vì lẽ đó, việc chính quyền thu thập các thông tin về mống mắt, ADN và giọng nói, cho dù nhân danh với bất kỳ lý do nào cũng đều gây nên sự lo ngại của người dân một khi khả năng rò rỉ thông tin luôn luôn hiện hữu”, ông nói.

Minh Long