Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thống nhất chọn phương án khai thác tốc độ 180 – 225 km/h để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 64,8 tỷ USD.

duong sat cao toc
Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thống nhất chọn phương án khai thác tốc độ 180 – 225 km/h để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 64,8 tỷ USD. (Ảnh minh họa: muratart/shutterstock)

Bộ KH&ĐT vừa có công văn gửi Bộ GTVT về phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đồng ý với Bộ GTVT lựa chọn phương án đầu tư xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h.

Bộ KH&ĐT cho rằng phương án này có ưu điểm là hình thành tuyến đường sắt để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới và có khả năng tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam trong tương lai; tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội; vận tải hàng hóa trên cả khổ đường 1.000 mm và khổ 1.435 mm, nên kết nối vận tải hàng hóa thuận lợi; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển, các trung tâm sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, phương án này có chi phí đầu tư cao, lên tới 64,8 tỷ USD, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.

Về mô hình thực hiện dự án, Bộ KH&ĐT kiến nghị triển khai theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Trong đó, đối tác công sẽ huy động 80% vốn đầu tư từ ngân sách công, có trách nhiệm quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống.

Trước đó, hồi tháng 10, Bộ GTVT đã báo cáo 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Trong đó, phương án một là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, tàu hàng tối đa 120 km/h. Chi phí đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án hai là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Bộ GTVT chọn phương án thứ hai. Dự án chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2025-2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm – Nha Trang với tổng chiều dài 361 km (23,94% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư gần 17 tỷ USD.

Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội – Đà Nẵng dài 677,2 km (44,91% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư gần 27 tỷ USD.

Giai đoạn 3 (2038-2041), xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng – Nha Trang dài 468,85 km (31,15% tổng chiều dài dự án) để thông toàn tuyến. Tổng mức đầu tư là gần 20 tỷ USD.

Kim Long