Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết ngày 6/9 sẽ vào Bình Thuận để kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng hơn 600ha đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

thuy loi ka pet
Bản vẽ mô phỏng hồ thủy lợi Ka Pét. (Ảnh: snnptnt.binhthuan.gov.vn)

Ngày 5/9, truyền thông trong nước dẫn lời ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) xác nhận Bộ này đã thành lập đoàn công tác vào Bình Thuận để kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng hơn 600ha đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).

Vấn đề dư luận băn khoăn nhiều nhất là tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 639ha, bao gồm: đất rừng sản xuất với 489,05ha; đất rừng đặc dụng với 149,09ha và một phần đất rừng phòng hộ với 0,86ha…

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 8/2022 do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam và đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền (Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TP.HCM) cũng thừa nhận dự án sẽ mang lại những tác động tiêu cực đến môi trường.

“Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác) sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên. Về lâu về dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn như xảy ra các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn…”, báo cáo nêu.

Cùng với đó, việc thay đổi diện tích đất nông nghiệp sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực. Vì vậy, đơn vị tư vấn cho rằng đối với dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng thừa nhận khi triển khai dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án.

Cũng theo báo cáo, rừng tự nhiên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất từ đất rừng tự nhiên sang mục đích khác sẽ là giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật). Điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã.

Tuy nhiên, báo cáo này vẫn khẳng định nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. song tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.

Khánh Vy (t/h)