Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong 3 năm học vừa qua, hơn 40.000 giáo viên mầm non, phổ thông đã nghỉ việc, bỏ nghề. Một số lượng không nhỏ rẽ hướng đi xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do…

bo truong bo gd giao vien van dang bo nghe
Thầy giáo Dương Hồng Sinh và học sinh vùng cao tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Xuân Lập (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), năm 2022. (Ảnh: lambinh.tuyenquang.gov.vn)

Báo chí trong nước mới đây đăng tải nội dung trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trước ngày khai giảng năm học 2023-2024, cho biết ngành giáo dục hiện vẫn phải đối mặt với tình trạng giáo viên bỏ nghề, lạm dụng kinh doanh từ sách giáo khoa.

Theo con số thống kê do Bộ GD-ĐT công bố, trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000 người.

Trong đó, 2 năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là năm 2021-2022 (khoảng 16.000 người) và năm học 2022-2023 (hơn 13.000 người).

“Ban đầu, chúng tôi đánh giá do tác động của dịch bệnh, đời sống khó khăn dẫn đến đội ngũ nhà giáo rời bỏ nghề nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống, tình trạng đó vẫn tiếp diễn”, báo Tiền Phong dẫn lời ông Sơn.

Theo ông Sơn, trước khi đổi mới giáo dục phổ thông (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay thế cho Chương trình giáo dục phổ thông 2006 – chú thích), ngành giáo dục vốn đã có nhiều khó khăn chưa thể khắc phục như điều kiện về cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị dạy học, thì nay những khó khăn này càng tăng lên do yêu cầu đảm bảo các điều kiện ấy phải tốt hơn nhiều lần.

Thực tế đến nay, tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố hóa, phòng học tạm còn chiếm khoảng 30% tổng số phòng học, trường lớp trên cả nước. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, Tây Bắc, vấn đề này còn trầm trọng hơn.

Bên cạnh con số giáo viên bỏ nghề, trung bình hằng năm có khoảng 10.000 giáo viên nghỉ hưu. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, ngành mới được giao chỉ tiêu hơn 26.000 biên chế.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi nhưng vẫn không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ không tuyển được giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, dù có chỉ tiêu.

Ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn khác. Đó là sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số quá nhanh dẫn đến thiếu trường, lớp. Như Hà Nội thiếu quỹ đất dù thành phố có dành nhiều kinh phí để xây dựng trường.

Nói về việc bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói rằng “đây là điều nghiêm cấm”, yêu cầu các địa phương chấm dứt chuyện ép mua sách hay sách giáo khoa kèm sách bài tập. Việc chọn lựa mua sách giáo khoa ở đâu là trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh.

Đưa ra hướng tháo gỡ, Bộ trưởng Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học.

“Bước đầu, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Sơn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị tinh giảm biên chế theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách và hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế giáo dục.

Sơn Nguyên