Các ĐBQH đưa ra các ý kiến tranh luận về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phần lớn, các đại biểu không đồng tình về quy định trên.

cam tuyet doi nong do con khi lai xe nhieu dai bieu khong dong tinh
Cánh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe tại km6 cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hồi năm 2022. (Ảnh: csgt.vn)

Chiều ngày 24/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng nên cấm tuyệt đối như dự thảo luật.

Lý do, ông Thịnh nói tác hại của việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. “Trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, có trên 50% số vụ có người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở”, ông Thịnh nêu.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm.

“Giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Mà đây cũng là yêu cầu của xây dựng bất cứ một quy định pháp luật nào”, ông Thịnh nói.

Thêm nữa, ông Thịnh cho hay khi đã cho phép uống rượu ở dưới ngưỡng nào đó sẽ tạo không gian thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm; ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Do đó, việc quy định cấm sẽ là phù hợp hơn trong điều kiện ý thức xã hội như vậy.

Tranh luận lại, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) không đồng tình với ý kiến của đại biểu Thịnh, cho rằng Quốc hội quyết định các vấn đề phải trên bằng chứng khoa học và kết luận về khoa học của cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ dự án luật lần này cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu khẳng định sẽ nghiên cứu và sẽ đưa ra căn cứ khoa học cho việc cấm nồng độ cồn, tức là tại thời điểm này chưa có căn cứ khoa học.

Đại biểu Hoàng Anh nói việc cấm không nên mâu thuẫn với những truyền thống tốt. Ví dụ như ngày lễ tình yêu thường tặng nhau thanh sô-cô-la, nếu dùng ngay cũng có thể có nồng độ cồn khi tham gia giao thông; hay trong y học dân tộc, chỉ sử dụng 5-10ml rượu thuốc là có thể vi phạm.

Ông Anh đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời về căn cứ khoa học của việc cấm hoàn toàn nồng độ cồn.

Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) nói rượu chỉ là một trong số những tác nhân ảnh hưởng đến năng lực hành vi. Khi uống quá nhiều rượu mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi. “Nếu dùng ở mức độ nếm rượu thì chắc là vẫn ổn. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi và việc dùng hay không dùng rượu”, ông Anh nói.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nói không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ. Tức là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Ông dẫn ví dụ một người uống ly nước nho ngâm với đường nhằm tiêu hóa thức ăn, hoặc uống thuốc khi đau bụng khi đó vẫn có thể có nồng độ cồn, khi tham gia giao thông vẫn bị xử phạt mặc dù không uống rượu bia.

Theo ông Bình, dự thảo luật cấm tuyệt đối là chưa hợp lý, sẽ dẫn đến tranh cãi giữa các bên khi thổi nồng độ cồn, trong thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh cãi như vậy.

Dự thảo luật quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn (tại khoản 1 điều 8) được nhiều đại biểu và người dân quan tâm.

Quy định này so với luật Giao thông đường bộ hiện hành là mở rộng cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tất cả người điều khiển phương tiện giao thông nói chung.

Ở luật Giao thông đường bộ hiện nay, chỉ cấm tuyệt đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, còn người điều khiển xe gắn máy thì có mức giới hạn là 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.

Minh Long