Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM dự kiến sẽ được sửa chữa trong khoảng 45 ngày, sau sự cố đứt 4 bó cáp ngầm khiến nhịp chính của cầu bị võng từ 17,4 đến 22,2 cm.

cau vuot nguyen huu canh 1
Do đứt 4 bó cáp ngầm, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị võng từ 17,4 đến 22,2 cm. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Phương án khắc phục sự cố đứt cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lần 2 vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) đề xuất với Sở GTVT TP.

Hai giai đoạn sửa chữa

Theo đó, TCIP đề xuất phương án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 45 ngày, chia làm hai giai đoạn.

Với giai đoạn 1 (trong 10 ngày), các đơn vị sẽ triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, hạn chế các hư hỏng tiếp tục phát sinh và ảnh hưởng tới an toàn.

Trong giai đoạn này, các đơn vị sử dụng hệ dàn giáo để chống đỡ toàn bộ nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, bố trí thép dày 10 mm trên mặt đường bê tông nhựa, gia cố nền đường bằng cừ tràm và tấm bê tông dày 10 cm tại các vị trí đào hiện hữu.

Với giai đoạn 2 (trong 35 ngày), các đơn vị sẽ tiến hành sửa chữa, khôi phục hệ thống cáp giằng. Cụ thể, lắp đặt hệ thống neo tạm trên đỉnh trụ; căng cáp tạm; đào đất phía sau trụ để thi công hệ cáp giằng thay thế; khoan cấy cốt thép, đổ bê tông neo cáp giằng thay thế; lắp đặt, căng cáp giằng thay thế theo tính toán đồng thời với việc tháo dỡ hệ thống cáp tạm; kiểm định, thử tải cầu và hoàn trả mặt bằng.

Các phương án phân luồng giao thông

Để sửa chữa cầu, bên cạnh tiếp tục cấm xe qua cầu, TCIP đề xuất cấm người và phương tiện lưu thông dưới dạ cầu nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

TCIP đề xuất phương án phân luồng giao thông khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh như sau:

Phân luồng từ xa: Đối với hướng đi xe ô tô: cầu Sài Gòn – Điện Biên Phủ – quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ – Nguyễn Văn Thương (hoặc quay đầu tại vòng xoay Hàng Xanh) – Điện Biên Phủ – rẽ phải đường dân sinh dọc cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Hướng đi xe 2 bánh: cầu Sài Gòn – Điện Biên Phủ – quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh – Điện Biên Phủ – hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) – Nguyễn Hữu Cảnh.

Phân luồng khu vực dưới cầu: Cấm người và xe đi dưới dạ cầu nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Hạn chế ùn tắc bằng cách cải tạo đường quay đầu hiện hữu làm đường tạm cho hướng Nguyễn Hữu Cảnh ra xa lộ Hà Nội. Mở dải phân cách tại hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) sang khu Vinhomes Tân Cảng thành ngã tư điều tiết bằng đèn tín hiệu.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện phương án trên vẫn đang chờ xem xét. Các vị liên quan vẫn đang bàn góp ý để chọn phương án tối ưu nhất với mục tiêu sửa nhanh, gọn nhưng phải đảm bảo an toàn.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất chi gần 500 triệu đồng thuê tư vấn độc lập giám định chất lượng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục sau sự cố đứt cáp ngầm.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài hơn 600 m, chiều rộng 12,7 m, với 3 làn xe. Đây là cây cầu nối với cầu Sài Gòn để đi vào trung tâm TP.HCM thông qua đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Hồi giữa tháng 9, 4 bó cáp dự ứng lực (chôn sâu 1,8 – 2m) của nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước, thuộc dự án sửa đường cắt qua.

Hệ thống này đã hoàn thành tháng 3 năm ngoái, nên các đơn vị nghi sự cố đứt cáp có thể đã xảy ra từ hơn một năm trước.

Sự cố đứt cáp khiến cầu bị võng xuống quá mức cho phép ở nhịp chính.

Kết quả khảo sát cho thấy độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính theo hướng từ cầu Sài Gòn đi quận 1; độ võng tại vị trí biên phải là 22,2cm, vị trí tim cầu là 17,4cm, vị trí tim trái là 18,6cm, lớn hơn nhiều độ võng cho phép theo tính toán là 7,2cm.

Với độ võng này, chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, trong khi mức cho phép chỉ được 3,8 cm (vượt gấp 1,89 lần mức cho phép).

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh từng bị hư hỏng nặng năm 2016, được sửa với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

Kim Long