UBND TP.HCM đang giao Sở GTVT TP.HCM xem xét, bổ sung cơ sở pháp lý đối với đề xuất thuê dịch vụ bán vé xe buýt tự động trên xe buýt. Dự kiến chi phí của đề án khoảng 358 tỷ đồng, vận hành trong 5 năm. 

he thong ban ve tu dong xe buyt
Hình ảnh quảng bá máy thanh toán tự động trên xe buýt trong đợt thí điểm năm 2019. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng (Sở GTVT TP.HCM) đang đề xuất kế hoạch thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trên xe buýt trong thời gian từ năm 2024 – 2029.

Kinh phí đề án dự kiến khoảng 358 tỷ đồng từ kinh phí chi thường xuyên vốn ngân sách nhà nước.

Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng dự kiến sẽ thuê toàn bộ hệ thống thu vé tự động bao gồm thiết bị bán vé trên xe, thiết bị soát, bán vé cầm tay, hệ thống máy tính chủ trung tâm, hệ thống phần mềm quản lý. Đơn vị cung cấp dịch vụ đảm nhận toàn bộ công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống thiết bị và phần mềm.

Về ưu điểm, theo Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng, hệ thống này sẽ có khả năng đáp ứng kết nối, điều hành 5.000 phương tiện tại cùng một thời điểm. Việc thuê dịch vụ có kinh phí ban đầu thấp hơn so với đầu tư dự án; triển khai nhanh hơn so với việc thực hiện dự án đầu tư công. Việc cập nhật công nghệ do đơn vị vận hành chủ động. Đặc biệt, phương án thuê sẽ tiết kiệm chi phí tiếp viên phục vụ trên xe buýt, ước khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, về nhược điểm, hệ thống vận hành phụ thuộc vào nhà thầu cung cấp dịch vụ nên đòi hỏi công tác lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phải kỹ lưỡng nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, giảm thiểu khả năng ngưng thực hiện giữa chừng gây xáo trộn hệ thống xe buýt.

Đối với đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở GTVT TP.HCM phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, làm rõ báo cáo liên quan. Trong đó, bổ sung cơ sở pháp lý liên quan về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, các nghị quyết của TPHCM; cập nhật các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của TPHCM đang thực hiện, đảm bảo đồng bộ; dự báo các tác động ảnh hưởng (ưu, nhược điểm) khi áp dụng hệ thống vào thực tiễn, đánh giá tác động đến kinh tế – xã hội; nghiên cứu sự đồng bộ đối với các phương tiện giao thông công cộng khác: buýt sông, đường sắt Metro…

Thời hạn để Sở GTVT TP.HCM đưa ra ý kiến đề xuất và dự thảo công văn của UBND TP.HCM báo cáo Ban cán sự đảng UBND TPHCM là trước ngày 15/10 tới.

Hiện tại TP.HCM có 129 tuyến xe buýt, trong đó, 91 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá, tổng cộng 2.019 xe buýt hoạt động.Kể từ tháng 3/2019, UBND TP.HCM tiến hành thí điểm thanh toán tự động trên một số tuyến xe buýt. Tính đến nay, việc lắp đặt hệ thống thu vé tự động được thực hiện thí điểm cho hơn 500 xe thuộc 23/91 tuyến xe buýt có trợ giá.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức năm 2022, vấn đề mỗi năm TP.HCM chi ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá cho xe buýt nhưng lượng khách ngày càng giảm được đặt ra.

Đưa ra ý kiến, TS Lương Hoài Nam cho rằng một thành phố lớn như TP.HCM với hơn 10 triệu dân, chi hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt không phải là nhiều mà là quá ít. Theo ông Nam, “khi nào TP.HCM chưa có làn đường dành riêng (ưu tiên), chưa có trung tâm trung chuyển cho xe buýt thì thực sự xe buýt không thể phát triển được”. Ông Nam nhận định giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng ở TP.HCM đang “càng ngày càng teo tóp đi”.

Nguyễn Quân