Người dân đang sử dụng các loại phương tiện cũ (xe máy, môtô, ôtô) nhưng thiếu (hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu) nếu chưa đăng ký sang tên trước ngày 1/1/2022, có thể sẽ bị phạt từ 400.000 đến 8 triệu đồng tùy theo hình thức phương tiện.

Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định, các phương tiện giao thông cơ giới bao gồm xe môtô, xe máy và ô tô đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, nhưng thiếu (hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu), phải đăng ký sang tên từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Kể từ 1/1/2022, đối với những xe không chính chủ nếu trên, trong 2 trường hợp sau sẽ bị phạt: 

  1. Quá thời hạn chuyển nhượng (quy định sau 30 ngày mua bán chuyển nhượng phải sang tên phương tiện), nếu quá 30 ngày không đăng ký sẽ bị phạt theo lỗi không sang tên đổi chủ.
  2. Khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông, nếu xe không chính chủ sẽ bị xử phạt.

Theo Nghị định 100/NĐ-CP, lỗi không chính chủ sẽ bị phạt tiền:

  • Từ 400.000 – 600.000 đồng đối với xe máy thuộc cá nhân;
  • Từ 800.000 – 1,2 triệu đồng đối xe máy thuộc tổ chức;
  • Từ 2 – 4 triệu đồng đối với xe ô tô thuộc cá nhân;
  • Từ 4 – 8 triệu đồng đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng và các loại xe tương tự xe ô tô thuộc tổ chức.

Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên chỉ được thực hiện thông qua:

  • Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
  • Công tác đăng ký xe.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Quốc Tuấn, luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, căn cứ khoản 1 Điều 19 Thông tư 58/2020, người đang sử dụng xe không chính chủ chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe thì có thể làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho xe.

Nếu không thực hiện sang tên xe trước 31/12/2021 thì từ ngày 1/1/2022, dù có giấy đăng ký xe, biển số xe, nhưng đối với xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu, sẽ không được giải quyết sang tên.

Minh Phương (t/h)

Xem thêm: