TAND TP. Hà Nội vừa cho biết ngày 27/12 tới, tòa sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội và đồng phạm liên quan đến công ty Nhật Cường.

nguyen duc chung
Ông Nguyễn Đức Chung trong phiên tòa liên quan đến vụ mua bán chế phẩm Redoxy 3C. (Ảnh: N.A/1thegioi.vn)

Đây là vụ án hình sự thứ 3 có liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, ngoài vụ án “mua bán chế phẩm Redoxy 3C” đang được xét xử và vụ “làm lộ bí mật Nhà nước” đã xét xử hồi tháng 11/2020.

Trong vụ án thứ 3, ông Nguyễn Đức Chung bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

6 bị cáo khác cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm: ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT TP. Hà Nội; Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP. Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT TP. Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, nguyên Chánh văn phòng Sở KH-ĐT TP. Hà Nội; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh; Lê Duy Tuấn, cán bộ kinh doanh Công ty Đông Kinh.

Phiên tòa sẽ diễn ra trong 5 ngày, có 14 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 4 bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư.

TAND TP. Hà Nội đã triệu tập đại diện Sở KH-ĐT Hà Nội tới tòa với tư cách nguyên đơn dân sự. Tòa cũng triệu tập đại diện 3 doanh nghiệp tư nhân, gồm: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và Công ty Đông Kinh đến tòa với tư cách là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ truy tố, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH-ĐT TP. Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh tại TP. Hà Nội” năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh.

Quá trình thực hiện, các bị can Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Các bị cáo đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của Luật Đấu thầu; đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu); đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu.

Các bị cáo còn bị cáo buộc lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định nhằm tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh tham gia, trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016.

Bên cạnh đó, sai phạm cũng được xác định ở việc sử dụng hồ sơ mời thầu gói thầu năm 2016 để tiếp tục tổ chức đấu thầu, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu gói thầu số hóa năm 2017; bỏ hạng mục công việc hiệu đính theo dự toán đơn giá đã được phê duyệt vào hồ sơ mời thầu và hợp đồng kinh tế nhưng khi thanh lý, quyết toán hợp đồng vẫn áp theo đơn giá đã được phê duyệt.

Có được hai hợp đồng, Công ty Nhật Cường đều bán lại cho Đông Kinh và hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Trong số này, Tổng giám đốc Nhật Cường dùng 9 tỷ đồng để biếu tặng và làm chi phí kinh doanh, 10 tỷ chi cho hoạt động khác của công ty.

Sai phạm của ông Tứ và các đồng phạm đã “làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng”.

Viện KSND tối cao xác định hành vi của ông Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP. Hà Nội.

Phạm Toàn

Xem thêm: