Theo ông Hoàng Văn Cường, Hà Nội nên phát triển các mô hình đô thị TOD, không nên dành tiền xây dựng những con đường “đắt nhất hành tinh”.

dbqh ha noi can uu tien giao thong cong cong thay vi lam duong dat nhat hanh tinh
ĐBQH Hoàng Văn Cường. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng ngày 27/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nêu ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Cường cho rằng “thành phố không nên dành tiền xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh”, thay vào đó nên phát triển các mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development – là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những thành phố lớn. Không chỉ với những khu đô thị mới, mà cả với khu vực tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô.

Thành phố cần khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao phát triển diện tích ở tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các hoạt động công cộng.

Ông Cường còn cho rằng luật không nên quy định những vấn đề quá cụ thể, như quy định nội đô lịch sử bao gồm cả quận Đống Đa hay quận Hai Bà Trưng – khiến chương trình cải tạo chung cư cũ đan xen các khu nhà ở lụp xụp tại 2 quận này bao nhiêu năm qua không thực hiện được; không nên quy định quá cụ thể như trục sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, vì hai bên ven sông Hồng phải hạn chế phát triển nhà ở…

Ông Cường cũng đồng tình với ý kiến các đại biểu khác về việc sử dụng hình thức dự án BT để huy động nguồn lực. Theo đó, BT thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công, thực chất là việc Nhà nước dùng ngân sách mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Nhiều tập đoàn lớn đã ra đời nhờ hình thức đặt hàng của Chính phủ, như tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đã ra đời nhờ đơn đặt hàng đóng tàu cho Chính phủ Park Chung Hee.

“Với phương thức này, chúng ta kỳ vọng sẽ mở đường cho ra đời tập đoàn công nghiệp đường sắt đô thị trong nước, thay cho các dự án đường sắt phải thuê nước ngoài làm như hiện nay. Những cây cầu vượt sông Hồng sẽ nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành, không mất thời gian kéo dài như các dự án đầu tư công hiện nay”, ông Cường nêu.

Ngoài ra, theo ông Cường, có thể áp dụng hình thức BT thanh toán bằng nguồn lực đất đai hoặc giá trị tài sản công, được thực hiện thông qua cơ chế đấu giá theo nguyên tắc thị trường, trao đổi ngang giá.

Đồng thời, ông Cường cho hay cần quy định để lại toàn bộ tiền sử dụng đất để thành phố có ngân sách xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng và không gian hỗ trợ cho các trường đại học, các bệnh viện và các cơ quan dịch chuyển sang cơ sở mới, giảm tải cho đô thị trung tâm thay cho việc chờ ngân sách Trung ương đầu tư để thành phố chủ động di dời một cách đồng bộ.

Hà Nội có hàng loạt dự án làm đường được coi là đắt nhất hành tinh, như:

Đường Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái dài 570 m với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 800 tỷ đồng – trung bình gần 2 tỷ đồng/mét đường.

Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, dài hơn 500 m với tổng mức đầu tư 969 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 680 tỷ đồng – trung bình 1,8 tỷ đồng/mét đường.

Đường Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa có chiều dài trên 500 m với tổng đầu tư hơn 700 tỷ đồng, trên 500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng – trung bình 1,2 tỷ đồng/mét đường.

Đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (quận Đống Đa) dài trên 2,2 km, chiều rộng 50 m với tổng vốn đầu tư gần 7.800 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 6.400 tỷ đồng – trung bình 3,5 tỷ đồng/mét đường.

Minh Long