Hơn 13 năm trôi qua, người dân xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) gặp nhiều khó khăn, bức xúc do vướng quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị xóa bỏ dự án, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói “không có cơ sở”.

dien hat nhan ninh thuan
Vướng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân, đời sống của người dân thôn Vĩnh Trường gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: sggp.org.vn)

Dân than khổ, gặp nhiều khó khăn

Chiều 30/5, thảo luận về báo giám sát trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, dành toàn bộ thời gian để nói về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

dang thi my huong
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo bà Hương, năm 2016, Quốc hội khóa XIV đã tạm dừng chủ trương thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

“Ở khu vực này, người dân vẫn bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng… Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc”, bà Hương nói.

Tại báo cáo giám sát, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi cấp có thẩm quyền có ý kiến chính thức. Theo bà Hương, điều này khiến người dân ở vùng dự án lo lắng về việc kéo dài quy hoạch, còn nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại.

Bà Hương kiến nghị sớm sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, giải quyết các vấn đề, vướng mắc được nêu cụ thể tại báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế và sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Công Thương về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận… để có cơ sở phê duyệt đề án ổn định lại sản xuất. Từ đó có cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021

Theo báo cáo, “đề án ổn định sản xuất, đời sống người dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến đời sống của người dân gặp khó khăn; người dân chưa an tâm, ổn định sản xuất, gặp khó khăn trong thực hiện các quyền, hoạt động liên quan đến đất đai, từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực này.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế, người dân trong vùng Dự án phải thu hồi đất phải trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền về sử dụng đất trên mảnh đất của mình: không được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, mở rộng sản xuất; có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ.

Báo Thanh Tra hồi tháng 3/2022 cho biết hơn 13 năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) sống trong thấp thỏm chờ an cư. Cuộc sống của các hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn do dính quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân.

Theo ông Du, người dân địa phương, cho biết do vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, sang nhượng đất đai, hạ tầng thì ngày càng xuống cấp và đặc biệt là không được sản xuất, đời sống của hơn 260 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

“Vào khoảng năm 2015, một số hộ trong thôn nhận được thông báo quyết định bồi thường. Căn cứ quyết định này, nhiều hộ đã cầm sổ đỏ nhà đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, xây, sửa chữa nhà và làm ăn, trả nợ.

Tuy nhiên, dự án đột ngột dừng triển khai, bà con trong thôn ai nấy đều hụt hẫng, nợ nần càng chồng chất. Ngày trước nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp của bà con ở đây khá ổn định. Tuy nhiên khi có chủ trương quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân thì bị đình trệ. Nếu đã dừng dự án điện hạt nhân thì thông báo rõ ràng giờ đất thôn Vĩnh Trường sẽ làm gì? Quy hoạch tiếp hay bỏ để bà con ổn định cuộc sống, lo cho tương lai”, ông nói.

Đề nghị xóa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Cùng nội dung này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Quốc hội cần giải quyết dứt điểm việc này, cần xóa bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

truong trong nghia 1
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo ĐB Nghĩa, nhiệm kỳ trước, khi dừng dự án này đã có nhiều sự cân nhắc, tính toán. Bây giờ việc trước mắt là phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân, cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo. Đồng thời, tạo quy hoạch mới cho Ninh Thuận trở thành vùng, trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Việc này giúp tạo chuyển động về kinh tế bằng quy hoạch mới.

“Tôi thấy Ủy ban Kinh tế có sự luyến tiếc về quy hoạch này khi đưa ra đề nghị tạm giữ quy hoạch vị trí làm nhà máy điện hạt nhân. Cá nhân tôi đề nghị xóa quy hoạch này. Còn trong 10-20 năm tới chúng ta có làm điện hạt nhân hay không thì làm quy hoạch mới. Và khi đó sẽ tính toán nếu làm thì đặt ở đâu” – ông Nghĩa nói và nhắc lại việc cấp bách trước mắt là giải quyết cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

nguyen hong dien
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: moit.gov.vn)

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định dự án điện Ninh Thuận mới có quyết định tạm dừng, chứ không loại bỏ. “Vì thế, không có cơ sở hủy bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận”, ông Diên nói.

Về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã kiến nghị với Chính phủ rằng, thế giới đã quay trở lại điện hạt nhân. Theo ông Diên, trong tương lai để thực hiện cam kết Hội nghị COP 26 thì phải phát triển năng lượng tái tạo và tính đến điện hạt nhân.

“Quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận chưa nên xem xét để chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Địa điểm xây dựng ở khu vực này đã được các đối tác nghiên cứu rất kỹ và không có địa điểm nào phù hợp hơn”, theo ông Diên.

Năm 2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW.

Tuy nhiên, đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này có hiệu lực từ ngày 22/11/2016. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.

Theo giải thích của Chính phủ, việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế.

Tháng 11/2021, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương sớm đề xuất thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Tính đến hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205 MW, bao gồm 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió.

Hoàng Minh