Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

san bay noi bai
Hiện sân bay Nội Bài (Hà Nội) đang quá tải. (Ảnh: noibaiairport.vn)

Sáng 8/12, HĐND TP. Hà Nội biểu quyết thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong đồ án là đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô.

Theo đồ án, việc áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính… hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Hà Nội.

Nội dung đồ án có điểm mới là sân bay thứ hai – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ đặt tại phía Nam. Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ – Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Hà Nội.

Dự trữ hành lang phát triển các trục phía Nam, đường sắt đô thị nối từ trung tâm ra sân bay phía Nam và trục giao thông liên kết Đông – Tây để phát huy lợi thế của đầu mối giao thông quan trọng phía Nam.

Đồ án trên sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Về quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô, giới chức thành phố cho biết có 2 phương án dự kiến đề xuất trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Phương án 1: Sân bay dự kiến đặt tại địa điểm tại xã Tân Ước và xã Thanh Vân (huyện Thanh Oai), xã Tiền Phong và Tân Minh (huyện Thường Tín). Phương án này có ưu điểm khoảng cách vào trung tâm thành phố chỉ 20 – 30km; gần đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường Vành đai 4; gần đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.

Tại phương án này, có một số nội dung cần nghiên cứu giải quyết như: có thể phải điều chỉnh hướng tuyến đường trục kinh tế phía Nam; nghiên cứu xây dựng bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối với trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Diện tích chiếm đất của sân bay khoảng 1.300ha, cần giải phóng mặt bằng khoảng 2 khu dân cư của xã Thanh Vân. Cần di chuyển tuyến điện 500KV khỏi ranh giới sân bay.

Phương án 2: Sân bay dự kiến đặt tại địa điểm xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường, Hoà Lâm (huyện Ứng Hoà). Ưu điểm của phương án này, sân bay nằm trên trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên – đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hoá, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Thành phố cho rằng với phương án này, một số nội dung cần nghiên cứu giải quyết như: nâng đường trục kinh tế phía nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối với sân bay thứ 2; cần bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay.

Khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 nằm ở 7 xã của huyện Ứng Hoà, diện tích chiếm đất khoảng 1.700 ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người; cần di chuyển tuyến điện 500KV ra khỏi ranh giới sân bay; ảnh hưởng tiếng ồn đến quần thể Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hương Sơn.

Đáng chú ý, theo giới chức thành phố, Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô là cảng hàng không nội địa, nhưng đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết. Công suất sân bay khoảng 30 – 50 triệu hành khách/năm, diện tích 1.300 – 1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030.

Minh Long